(kontumtv.vn) – Thành phố Kon Tum là một trong 3 địa phương có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh Kon Tum. Mặc dù ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng chống sốt xuất huyết, nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố liên tục gia tăng. Đáng quan tâm là một số nơi, chính quyền địa phương và người dân vẫn  lơ là, thiếu ý thức phòng chống dịch bệnh.

Phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết
Phun hóa chất diệt muỗi, phòng chống sốt xuất huyết

Đây là lần phun hóa chất diệt muỗi thứ 2 tại tổ dân phố 13, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum. Thế nhưng tại đây vẫn còn khá nhiều ổ loăng quăng. Điều này cho thấy, người dân không hề quan tâm đến việc diệt muỗi, diệt loăng quăng- tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết. Bác sỹ Phan Nhật Duy, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Quang Trung cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh, Trạm Y tế đã tham mưu cho UBND phường chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền đến tận người dân. Trạm Y tế đã tổ chức hướng dẫn cho người dân xả nước diệt loăng quăng, bọ gậy, nhưng có nhiều hộ dân đến khi quay lại vẫn như cũ”.

Thành phố Kon Tum hiện có trên 230 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó bệnh chủ yếu gia tăng từ đầu tháng 6 đến nay. Bác sỹ CKI Bùi Trọng Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum nói: “Tình hình sốt xuất huyết năm 2016 bùng lên, chính vì vậy kinh phí dành cho hoạt động phòng chống sốt xuất huyết chúng tôi cũng gặp khó khăn. Mặc dù hóa chất, thuốc men điều trị cho sốt xuất huyết là có, nhưng kinh phí để thuê người đi phun thuốc, rồi tuyên truyền, vận động trong cộng đồng đến nay chúng tôi cũng chưa có. Khó khăn thứ hai là sự hợp tác của một số hộ gia đình đối với công tác phòng chống sốt xuất huyết để loại bỏ loăng quăng, bọ gậy chưa cao”.

Đáng quan tâm là có một số khu dân cư trên địa bàn thành phố Kon Tum không đảm bảo vệ sinh môi trường, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết, đã được đoàn viên thanh niên ngành Y tế ra quân tổng dọn vệ sinh, thế nhưng chính quyền địa phương và người dân vẫn thờ ơ, không mấy quan tâm đến việc khơi thông cống rãnh để diệt loăng quăng, diệt muỗi.

Đến thời điểm hiện nay đã có 19/21 xã, phường trên địa bàn thành phố Kon Tum có trường hợp mắc sốt xuất huyết. Thế nhưng có rất nhiều xã, phường, chính quyền địa phương và người dân vẫn còn lơ là, thiếu trách nhiệm  trong việc diệt muỗi, diệt loăng quăng. Điều này làm cho công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố  gặp nhiều khó khăn.

                                                                             Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *