(kontumtv.vn) – Với mục đích đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định cuộc sống cho người dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao, từ nhiều năm nay, công tác di dời dân đến khu tái định cư được huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tích cực thực hiện. Tuy nhiên,  hiện nay còn nhiều hộ dân vẫn chưa nhất trí di dời.

Bất chấp nguy hiểm vì nguy cơ sạt lở đất và lũ quét, 34 hộ DTTS ở thôn Tam Rin cũ, xã Ngọc Yêu vẫn nhất quyết không di dời đến nơi tái định cư mới. Đã hơn 7 năm trôi qua, chính quyền địa phương nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con nhanh chóng chuyển đến vùng an toàn, nhưng với lý do khu tái định cư cách xa khu sản xuất và người dân thì đã quen với nếp sống cũ nên đến nay, công tác di dời dân vẫn chưa thể hoàn thành. Ông A Noán (thôn Tam Rin cũ, xã Ngọc Yêu) nói: “Hồi sạt lở ông già cũng ở đây. Đến giờ ông ở bên này quen rồi. Khu sản xuất cũng gần gũi ở đây. Cái gì cũng thuận tiện, quen mấy chục năm nay rồi. Ông cảm thấy ông ở bên này bà con cũng đông đủ, nhiều, chứ không thích ở bên tái định cư”.

Nhiều hộ dân vùng sạt lở thôn Tam Rin chưa di dời đến nơi ở mới
Nhiều hộ dân vùng sạt lở thôn Tam Rin chưa di dời đến nơi ở mới

“ Tôi cũng muốn ở bên làng cũ. Tâm tư, nguyện vọng là ở bên làng cũ này, gần khu sản xuất. Thiếu đất, không có đất ở, nhà thì không có, nhưng mà gần khu sản xuất”. Anh Triệu Qúy Thành (thôn Tam Rin cũ, xã Ngọc Yêu) nói.

Thực tế, đời sống của 34 hộ dân thôn Tam Rin cũ gặp nhiều khó khăn do kết cấu hạ tầng thiếu thốn. Ông Phạm Duy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu, cho biết: “Sau cơn bão số 9, cơ sở hạ tầng đầu tư cho làng cũ gần như là chưa có, do nằm ở khu không đảm bảo ổn định nên đường, điện, trường học không đầu tư ở làng cũ nữa và tập trung cho khu tái định cư, nên bà con sinh hoạt cũng khó khăn, buộc phải đi qua, đi lại giữa hai bên để sinh hoạt”.

Hiện chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn khi nỗ lực vận động bà con đến nơi ở mới. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói: “Ở làng cũ, nguy cơ sạt lở rất là lớn. Trên địa bàn huyện mùa mưa thường kéo dài, từ tháng tư đến tháng 10, do biến đổi khí hậu, thời gian mưa có thể kéo dài đến tháng 11, 12, nên những vị trí đó không ổn định. Do đó cũng tạo áp lực cho chính quyền huyện và chính quyền ở xã là thường xuyên phải di dời nhiều đợt trong mùa mưa bão”.

Sau thiệt hại nghiêm trọng từ cơn bão số 9 năm 2009, UBND huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức di dời gần 1.300 hộ dân đến nơi ở mới. Qua tìm hiểu, ngoài những hộ dân chưa chịu dời khỏi làng cũ thì đến nay, ngay tại khu vực tái định cư, nhiều vấn đề mới đang phát sinh. Như trường hợp khu tái định cư thôn Tam Rin mới, hiện thôn có 96 hộ với 344 nhân khẩu; trong đó, 62 hộ đã có nhà ở ổn định từ sau cơn bão số 9; còn lại 34 hộ vừa mới tách hộ hiện vẫn chưa có nhà ở. Ông Vương Văn Mười cho biết: “Từ năm 2009, làng Tam Rin chỉ có 62 hộ. Từ sau khi làm khu tái định cư, UBND huyện đã san lấp mặt bằng, chia đất cho 62 hộ và làm nhà cho 62 hộ để tái định cư. Còn về vấn đề tách hộ, lập vườn thì cái này trách nhiệm thuộc về hộ gia đình  chứ UBND huyện không thể nào đảm bảo về kinh phí để chuẩn bị về đất, cũng như là đầu tư về công trình hạ tầng thiết yếu khi các hộ dân tách hộ được”.

Hiện chính quyền địa phương vẫn nỗ lực, kiên trì vận động bà con nhanh chóng di dời đến nơi ở mới. Đồng thời từng bước hoàn thiện công trình đường giao thông, nhà ở, trường học, trạm y tế, điện lưới sinh hoạt tại khu vực tái định cư, nhằm tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thu Trang – Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *