(kontumtv.vn) – Từ ngày 15/7 đến ngày 14/8, lực lượng CSGT tỉnh Kon Tum đồng loạt ra quân, mở đợt cao điểm tổng kiểm tra các loại xe ô tô chở khách, ô tô vận tải, xe container và xe mô tô, xử lý các trường hợp vi phạm, tập trung vào các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Trong đó chú trọng việc xử lý các trường hợp lái xe sử dụng rượu bia.

Từ 17 giờ đến 21 giờ hằng ngày, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh tập trung vào xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích. Các phương tiện tham gia giao thông trong khu vực nội thành thành phố Kon Tum có dấu hiệu khả nghi đều được lực lượng chức năng thông báo tín hiệu dừng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở bằng thiết bị chuyên dụng. Thượng tá Dương Văn Khôi, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum nói: “Thực hiện kế hoạch của Cục CSGT về tăng cường đợt cao điểm xử lý về xe ô tô khách, xe tải, container, xe mô tô vi phạm về nồng độ cồn, chất kích thích ma túy, Phòng chủ động xây dựng kế hoạch tập trung tăng cường lực lượng, phương tiện kỹ thuật tuần tra kiểm soát, xử lý trên các tuyến quốc lộ, cũng như địa bàn nội thị”.

Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe
Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe

Nhiều người khi có tín hiệu dừng kiểm tra phương tiện do đã sử dụng rượu bia nên có ý định bỏ trốn hoặc cố thủ trong xe, gây khó khăn cho lực lượng CSGT. Đặc biệt, khi đo nồng độ cồn trong hơi thở, một số người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở vượt mức quy định rất cao. Khi xử lý vi phạm, lực lượng chức năng yêu cầu tạm giữ phương tiện nhằm đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện, hầu hết chủ các phương tiện đều phản ứng. Đại úy Võ Tá Hà, Đội phó Đội CSGT số 2 Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum cho biết: “Trong quá trình công tác, lực lượng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt sự hợp tác của người tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia, chất kích thích, thường các hành vi vi phạm không chấp hành, không hợp tác làm việc, có các lời nói không chuẩn mực, xúc phạm lực lượng trực tiếp tuần tra kiểm soát”.

Sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ TNGT, vì vậy việc xử lý các trường hợp này cần được triển khai quyết liệt. Không chỉ ngành chức năng vào cuộc mà người tham gia giao thông cần tự nâng cao ý thức, lái xe không sử dụng rượu bia hoặc sử dụng rượu bia thì không lái xe nhằm giữ gìn trật tự giao thông, an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nguyễn Thu – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *