(kontumtv.vn) – Năm 2019, kinh tế của tỉnh Kon Tum đạt mức tăng trưởng gần 10%, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng gần 5,6%.  Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tỉnh có nhiều khởi sắc.

Là một trong những hướng đi được nhiều địa phương, nhiều hộ nông dân lựa chọn để phát triển kinh tế, thoát nghèo, mô hình phát triển cây dược liệu gắn với xây dựng các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều khởi sắc trong năm 2019. Đến nay, đã cơ bản  hình thành các vùng phát triển các loài dược liệu chủ lực với tổng diện tích khoảng 1.410 ha. Trong đó, cây sâm Ngọc Linh 660 ha, đẳng sâm và các dược liệu khác là 750 ha. Tổng sản lượng ước đạt 3.950 tấn.

Nông dân A Ha ở thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút, huyện Kon Plông chia sẻ, nhờ trồng dược liệu, gia đình anh từ hộ nghèo trở thành hộ có thu nhập khá. Tính riêng năm 2019, gia đình anh A Ha  thu được gần một trăm triệu đồng từ bán lá và củ hồng đẳng sâm. Anh cho biết, nhờ được tập huấn chuyển giao kỹ thuật nên niên vụ 2020, anh sẽ tự mình nhân giống để mở rộng vườn Hồng đẳng sâm nhằm nâng cao thu nhập: “Thấy vườn cây thế này em cũng vui rồi, vườn của bà con trong làng cũng như thế này, hộ nào cũng như hộ nào. Em theo cách kỹ thuật bên dự án đã hướng dẫn cho em”.

Giới thiệu sản phẩm đặc trưng các địa phương
Giới thiệu sản phẩm đặc trưng các địa phương

Nổi bật về nông nghiệp của tỉnh trong năm 2019 phải kể đến lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 7.600 ha diện tích cây trồng được sản xuất theo hướng này. Theo đó, công nghệ chuyển gene, công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ tưới tiết kiệm nước, tự động hóa bón phân, hệ thống thủy canh, sử dụng giá thể, kỹ thuật GPS trong kiểm soát sâu bệnh, công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp và nhiều công nghệ giống mới được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp và hộ sản xuất áp dụng. Kết quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong năm 2019 được ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ghi nhận: ”Kết quả đạt được nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong 3 năm qua là rất khả quan, chúng ta đã hình thành được vùng sản xuất, khu nông nghiệp công nghệ cao tại Kon Pông, chúng ta cũng hình thành các vùng sản xuất như rau hoa quả tại Kon Plông cũng như các địa bàn khác như Đăk Hà. Diện tích áp dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất cà phê đến nay có hàng ngàn ha và các loại cây ăn quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như công nghệ tưới tiết kiệm, qua áp dụng chúng ta thấy được giảm được công lao động và ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay”.

Khởi sắc trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn mà còn thể hiện rõ nét qua các mô hình cụ thể của hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Mô hình tưới cà phê nhỏ giọt của gia đình anh Hoàng Nguyên Chiến ở thôn Plei Lay, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum là dẫn chứng. Niên vụ này, anh dự đoán sản lượng vườn cà phê sẽ tăng từ 15 % so với trước: “Sau khi làm thì thấy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt chỗ vận hành, tiết kiệm nước, một lần tưới thì được nhiều, một lần tưới thì tưới cả 1ha. Bước đầu thấy rất hiệu quả, đặc biệt là về dinh dưỡng cho cây cà phê”.

Tính đến cuối năm 2019, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt gần 248.600 con. Trong đó, đàn trâu gần 25.000 con, đạt 95,6% kế hoạch và tăng gần 5% so với cùng kỳ. Đàn bò 80.330 con, đạt gần 94% kế hoạch vượt trên 3%. Đàn lợn hơn 143.300 con, đạt trên 90% so với kế hoạch và gần bằng 100% so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi gia cầm, bà con nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như chuồng nuôi khép kín, có hệ thống làm mát về mùa hè và sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, hệ thống xử lý chất thải. Đến nay, toàn tỉnh có 19 trang trại với tổng đàn 191.000 con. Trong đó, có 1 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận chuỗi liên kết cung ứng thịt gà an toàn. Đạt kết quả chăn nuôi là nhờ tỉnh Kon Tum đã triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, gia súc, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi và dịch lở mồm long móng ở gia súc. Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân, cơ sở chăn nuôi vẫn ăn nên, làm ra trong năm 2019. Hiệu quả tham gia chuỗi liên kết được ông Lê Đình Ảnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Chăn nuôi gà thịt, thành phố Kon Tum cho biết: “Tham gia chuỗi liên kết tôi thấy nó rất có lợi. Trước đây mình phải tự đi bán gà. Giờ mình nhờ siêu thị và bếp ăn tập thể họ tiêu thụ gà với số lượng lớn cho mình, tôi thấy đó là đầu ra tốt cho người chăn nuôi”.

Lĩnh vực thủy sản của tỉnh Kon Tum trong năm 2019 cũng có nhiều khởi sắc. Đến nay, diện tích nuôi ao hồ 659 ha, diện tích nuôi mặt nước lớn ước đạt 570 ha. Nuôi trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện 317 lồng, tăng gần 20% so với kế hoạch đề ra. Nhiều sản phẩm thủy sản đã được các địa phương lựa chọn làm sản phẩm chủ lực của địa phương và từng bước xây dựng đạt chuẩn theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nói về vai trò của thủy sản đối với kinh tế địa phương, ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy chia sẻ: “Tại lòng hồ thủy điện Plei Krông xã có hơn 200 lao động đánh bắt cá. Về thương hiệu  xã có sản phẩm tôm cá tươi lòng hồ vừa sạch  vừa tốt.  Sắp tới xã đưa xây dựng sản phẩm OCOP đối với sản phẩm  tôm  cá tươi lồng  hồ, cá bống khô, tôm khô”.

Kết quả đạt được từ lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2019 đã góp phần giúp tỉnh Kon Tum giảm trên 4% hộ nghèo tương ứng với hơn 5.300 hộ thoát nghèo. Đáng phấn khởi là sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Kon Tum từng bước khẳng định được thương hiệu, giá trị trên thị trường trong nước và từng bước vươn ra thế giới.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *