(kontumtv.vn) – Năm 2015, tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là giá nông sản xuống thấp, nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu, ngành NN&PTNT tỉnh Kon Tum đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch trong năm; duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành ở mức khá và không ngừng phát triển.

Mặc dù mới đầu tư đưa vào sản xuất vụ đầu tiên, nhưng hầu hết các loại cây trồng của Công ty TNHH Khánh Dương (thôn Măng Đen, xã Đăk Long, huyện Kon Plông) đều sinh trưởng, phát triển rất tốt. Theo chị Phan Thị Thu Hồng, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Khánh Dương, một người chuyên trồng rau hoa tại Đà Lạt cho biết, vùng đất Măng Đen này phù hợp với nhiều loại cây trồng và có độ thông thoáng cao nên cây trồng phát triển rất nhanh và tốt hơn vùng đất Đà Lạt. Riêng vụ khoai tây đầu tiên vừa mới thu hoạch đã đạt năng suất rất cao, ngoài cả sự mong đợi. Với diện tích 5 sào, Công ty thu hoạch hơn 22 tấn, trừ đi các chi phí đã cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, Công ty đang mở rộng diện tích trồng cây chanh dây và giống hoa lay ơn để cung cấp giống cho nhân dân trong vùng và các tỉnh bạn. Chị Hồng nói: “    Trồng khoai tây, chanh dây, hoa ở đây rất hiệu quả. Vừa rồi cây khoai tây mới thu xong, bình quân đạt gần 1 kg/1 bụi. Còn cây chanh dây mới 2 tháng mà đã lên tới giàn rồi, ở Đà Lạt là 5 – 6 tháng mới có trái thì ở đây 4 tháng đã có trái rồi. Nói chung đất ở đây rất thích hợp với các loại cây trồng”.

NONG NGHIEP

Hiện nay, Huyện Kon Plông đã triển khai trồng được 50 ha rau, hoa xứ lạnh. Trong đó tập trung sản xuất các loại hoa phục vụ cho dịp Tết như hoa ly, hoa lan, hoa cúc, lay ơn, đồng tiền, tuy lip và các loại rau, quả như cà chua, dâu tây, bắp cải, khoai tây, cà rốt… Nhìn chung các loại rau, hoa quả xứ lạnh đều phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Kon Plông và phát triển rất tốt.

Ngoài việc phát triển các loại cây trồng mới như rau hoa xứ lạnh, các loại cây dược liệu, trong thời gian gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh áp dụng những phương thức canh tác, làm ăn mới. Đặc biệt là liên kết để sản xuất sản phẩm có chất lượng, uy tín, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Sự ra đời các hợp tác xã trên địa bàn huyện Đăk Hà là một ví dụ. Các thành viên tổ hợp tác được hưởng lợi rất nhiều từ mô hình này. Đồng thời, chi phí sản xuất được đảm bảo, sản phẩm làm ra không bị tư thương ép giá. Anh Nguyễn Trung Hiếu, HTX Nông nghiệp – Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung, huyện Đăk Hà nói: “Chúng tôi tham gia HTX khi mua phân bón thì giá thành giảm hơn so với bên ngoài và đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Đến khi thu hoạch sản phẩm thì chúng tôi chế biến cà phê nhân trực tiếp nhập vào HTX chế biến thành cà phê bột, mang lại nhiều lợi nhuận”.

Trong năm qua, nhìn chung tình hình sản xuất nông nghiệp tỉnh Kon Tum có nhiều khởi sắc. Diện tích, năng xuất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng so với năm 2014. Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại 3 huyện vùng Đông Trường Sơn và Đề án hỗ trợ phát triển cây cao su tiểu điền tiếp tục được các địa phương, sở, ngành quan tâm thực hiện đúng tiến độ. Các loại cây có giá trị kinh tế cao, các loại cây dược liệu đã được đưa vào trồng và phát triển tốt. Ông Trần Văn Chương, Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Kon Tum cho biết: “Một số cây có giá trị kinh tế cao đã từng bước phát triển, hiện nay đã hình thành được một số cơ sở sản xuất nông trại hữu cơ. Đây là một hướng đi đúng để nông nghiệp phát triển mang tính sản xuất sạch, tiêu thụ trên thị trường thế giới”.

Tuy hiện nay, tình hình giá cả cao su và cà phê đang xuống thấp, gây không ít khó khăn cho nông dân, nhưng với hướng sản xuất đa canh, đa cây, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các hợp tác xã, các doanh nghiệp, nông trại hữu cơ như hiện nay, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nhiều khởi sắc và theo hướng phát triển bền vững.

Duy Phong – Quang Mẫn 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *