(kontumtv.vn) – Những ngày này, cán bộ, nhân dân tỉnh Kon Tum đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập lại tỉnh (12/8/1991- 12/8/2016). 25 năm, khoảng thời gian chưa nhiều đối với một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới có điểm xuất phát thấp, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, các doanh nghiệp và nhân dân, đến nay tình hình kinh tế của tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển đáng kể, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá và đang có bước phát triển mới.

Một trong những kết quả nổi bật dễ nhận thấy nhất, đó là trong phát triển nông nghiệp. Từ chỗ chỉ độc canh cây lúa, phát đốt, chọc tỉa, đến nay Kon Tum đã thực hiện đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là phát triển mạnh các loại cây công nghiệp lâu năm, hình thành nên các vùng chuyên canh cây cà phê, cao su, rau hoa xứ lạnh, sâm Ngọc Linh…, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhằm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 75.000 ha cao su, trên 15.000 ha cà phê, gần 200 ha sâm Ngọc Linh và đang quy hoạch 3.000 ha rau – hoa – quả xứ lạnh. Đặc biệt là việc chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất đối với các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng xuất, chất lượng cao được chú trọng và đạt kết quả tốt, tạo tiền đề để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Thiện Mỹ nói: “Khi ứng dụng công nghệ cao vào, nó giải phóng được sức lao động. Hai nữa nó đỡ tốn thời gian, mà sản phẩm mình làm ra nó đồng đều, đạt chất lượng, năng suất cao hơn”.

Kon Tum đã có trên 15.000 ha cà phê
Kon Tum đã có trên 15.000 ha cà phê

Bên cạnh ngành nông nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ đã phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ chỉ sản xuất bằng thủ công, với một vài sản phẩm như đồ gỗ, gạch ngói, đường muỗng trong những ngày đầu mới thành lập lại tỉnh, đến nay ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã phát triển tương đối khá, thành lập được các khu, cụm công nghiệp với nhiều nhà máy chế biến như đường cát, cao su, cà phê, tinh bột sắn, cồn sinh học Ethanol, các cơ sở sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, vật liệu xây dựng, nhà máy thủy điện…. Cùng với đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã phát triển khá nhanh. Từ 3 công ty thương mại trong ngày đầu thành lập lại tỉnh, đến nay hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ở tỉnh và các cửa hàng, chợ huyện, chợ xã, nhà hàng, khách sạn phát triển tương đối mạnh, với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp từ 7,6 tỷ đồng trong năm 1991, đến năm 2015 đã đạt trên 4.150 tỷ đồng; tổng mức lưu chuyển hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên thị trường hầu như chưa có gì đến năm 2015 đã đạt trên 12.000 tỷ đồng, đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết: “Sau khi tách tỉnh, điều kiện phát triển ngành Công Thương là hết sức khó khăn, nhưng trong quá trình phấn đấu qua 25 năm, tỷ trọng của ngành Công nghiệp cũng như Thương mại của tỉnh đã được khẳng định. Giai đoạn 1991 – 2008, sản phẩm CN- TTCN tăng trưởng bình quân từ 16 – 16,5% một năm; giai đoạn 2011- 2015 thì khoảng 17%. Thương mại dịch vụ giai đoạn 1991- 2008 mức tăng trưởng bình quân từ 16 – 18%, đến giai đoạn 2011- 2015 tốc độ tăng trưởng đến 28,36%, vượt kế hoạch 5 năm của giai đoạn này”.

Sản xuất tinh bột sắn
Sản xuất tinh bột sắn

Kinh tế phát triển, thu nhập và đời sống của người dân ngày một nâng cao. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn vùng sâu, vùng xa cũng như đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. Từ năm 1999, tỉnh đã phá được thế ngõ cụt về giao thông, tạo điều kiện để Kon Tum giao lưu thuận lợi với các tỉnh, các khu vực trong nước và với các nước trong khu vực. Các Quốc lộ 24, 14C, đường Hồ Chí Minh đã đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, đường tỉnh lộ được nâng cấp, hệ thống đường liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi, thông suốt trong hai mùa. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm liên tục tăng. Cụ thể trong năm 1992 là 88,6 USD, năm 2000 đạt 182 USD, năm 2010 đạt 718 USD và đến năm 2015 đạt 1.555 USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện; bộ mặt nông thôn, đô thị ngày một khởi sắc.

Phát huy những kết quả đạt được sau 25 năm thành lập lại tỉnh, cùng với sự đổi mới của đất nước, hiện nay, tỉnh Kon Tum đang tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh; kêu gọi, thu hút đầu tư vào 3 vùng kinh tế động lực; tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân; tiếp tục đưa kinh tế tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển ổn định, bền vững.

         Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *