(kontumtv.vn) – Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương như cà phê xứ lạnh hay cây sâm dây, huyện Kon Plông (Kon Tum) đã xây dựng thêm nhiều mô hình kinh tế gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân tại các vùng DTTS trên địa bàn.

Đây là năm thứ 2, các hộ dân ở thôn Tu Nông, xã Măng Bút, huyện Kon Plông tham gia trồng lúa đỏ, liên kết sản xuất với HTX Nông nghiệp Công Bằng Măng Đen. Tổng diện tích trồng của 43 hộ là 20 ha và được HTX ký kết mức giá thu mua là 6.000đồng/kg. Ông A Dân, Thôn trưởng thôn Tu Nông, xã Măng Bút nói: “Ngày xưa thì bà con bỏ trồng gạo lức, gạo đỏ. Bây giờ đã trồng lại vì có HTX hướng dẫn bà con về kỹ thuật, một là bón phân, hai là có máy móc. Thu nhập cái này là lúa đỏ nó cao hơn”.

Với cách gieo trồng truyền thống trước đây thì 1 sào lúa bà con chỉ thu được 5 – 6 tạ, còn hiện nay năng suất trung bình đạt khoảng 1 tấn/sào. Ngoài ra, người dân cũng không bị trừ tiền hỗ trợ ban đầu sau khi thu hoạch lúa hàng năm. Ông Trương Ngọc Tuyến, Quản lý HTX Công Bằng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông cho biết: “Mình liên kết với bà con là mình cho bà con đủ ăn và đủ sản phẩm để nuôi gia đình và sau đó dư thì để lại cho HTX, còn mình mua mình không có ép, bà con tự nguyện bán cho HTX. Mình phải ở đây hướng dẫn về kỹ thuật và mình làm cho bà con tin tưởng. Bà con thấy được những sản phẩm bà con làm ra nó giá trị như thế nào, gạo lúa đỏ giá trị như thế nào và cái sản phẩm đó nó đạt chất lượng như thế nào”.

Sản phẩm dược liệu huyện Kon Plông
Sản phẩm dược liệu huyện Kon Plông

Còn hơn 1 tháng nữa là mô hình trồng bí Nhật của anh A Văn ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông sẽ cho thu hoạch. Với mức giá ký kết thu mua là 12.000 đồng/kg, gia đình anh dự kiến thu về khoảng 20 triệu đồng trong vụ thu hoạch bí Nhật vụ đầu tiên. Anh A Văn chia sẻ: “Mình trồng thấy thu nhập tốt thì chắc chắn mình phải làm thêm, muốn làm thêm một cái nhà nữa để mình trồng. Vì mình đã nắm được mấy cái kỹ thuật hướng dẫn cho mình trồng năm trước, còn bữa sau chắc mình làm được”.

Tham gia mô hình trồng bí Nhật, người dân được công ty liên kết hỗ trợ ban đầu về giống, phân bón. Còn vật tư nhà màn, hệ thống nước tưới nhỏ giọt, và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc sẽ do nhà nước hỗ trợ. Mô hình trồng bí Nhật nếu theo đúng kỹ thuật hướng dẫn, một năm có thể cho thu hoạch ít nhất 3 vụ. Anh A Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cho biết: “Sau cái vụ đầu tiên, vụ thứ hai xã sẽ liên hệ cho người dân giống và liên kết với công ty, tiếp tục bán cho công ty về sản phẩm của người dân. Người dân đã nắm được kỹ thuật thì trồng mô hình bí Nhật chủ yếu là dân bỏ công thôi, còn về quy trình kỹ thuật thì người dân đã nắm. Sắp tới xã sẽ nhân rộng các thôn khác để tiếp tục triển khai. Hiện nay mô hình bí Nhật theo đánh giá ban đầu cũng tương đối thành công”.

Ngoài cây cà phê, đương quy hay sâm dây, trong 2 năm gần đây, huyện Kon Plông đã triển khai thí điểm và nhân rộng nhiều mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ cho 207 hộ DTTS trồng gạo đỏ, bí Nhật, xạ đen, nghệ đỏ với tổng diện tích hơn 55ha. Ông Trương Ngọc Tuyền, Phó Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông nói: “Trong năm 2020 thì Phòng Nông nghiệp cũng đã tham mưu UBND huyện chuẩn bị triển khai mô hình liên kết sản xuất và chế biến tinh dầu sả và Java ở tại 3 xã vùng nóng của Ngọc Tem, Đăk Ring, Đăk Nên, với diện tích dự kiến triển khai khoảng 30ha. Sử dụng các nguồn vốn, trong đó lồng ghép chủ yếu là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ ban đầu và tác động vào chuỗi liên kết, để đem lại thành công cho chuỗi liên kết, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của người dân”.

Thông qua xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, huyện Kon Plông đang từng bước đưa nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất tại các vùng DTTS, phát triển và tạo ra giá trị sản phẩm đặc trưng của vùng miền dựa vào tiềm năng của địa phương, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Hơ Jan – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *