(kontumtv.vn) – Với những ai đã từng gắn bó với mảnh đất Kon Tum từ ngày đầu thành lập lại, có lẽ điều ấn tượng nhất chính là hành trình vượt gian khó. 30 năm cho sự nỗ lực, đồng sức, đồng lòng xây dựng tỉnh Kon Tum được đền đáp là thành quả phát triển của ngày hôm nay trên tất cả các phương diện. Hành trình này, dẫu gian khó, nhưng chắc chắn đầy tự hào.

Ông Hoàng Lệnh, có mặt tại Kon Tum vào năm 1991 là thời điểm chia tách tỉnh. Hơn 30 năm đồng hành và chứng kiến bao cuộc thay da đổi thịt của dải đất Bắc Tây nguyên này, ông cảm thấy tự hào vì sự khang trang của tỉnh Kon Tum ngày hôm nay là nỗ lực vượt khó rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ông Hoàng Lệnh, ở Tổ dân phố 4, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum kể lại: “Lên đây sơ khai lắm, nghèo khó quá, các cơ quan ban ngành còn ở nhà tạm cấp 4, chưa xây như bây giờ. Không những kinh tế chưa phát triển mà còn đối diện với an ninh trật tự phức tạp, ví dụ như  tổ chức phản động xâm nhập vào tỉnh ta biên giới, tổ chức Fulro lưu vong nước ngoài cũng  kích động vào.”

Những người lính từng vào sinh ra tử trên các chiến trường thường có những cuộc trò chuyện bồi hồi về quá khứ và tương lai. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau và lựa chọn gắn bó với tỉnh Kon Tum. Trong những câu chuyện không hồi kết, luôn có một phần về Kon Tum mà thời tuổi trẻ đã gắn bó. 30 mùa xuân trôi qua, ký ức về những năm tháng gian khó buổi đầu càng in đậm bao nhiêu thì niềm tự hào về sự khang trang, no ấm ngày hôm nay lại càng sâu sắc bấy nhiêu. Ông Lê Việt Hùng ở thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum chia sẻ: “Kinh tế phát triển càng ngày càng bền vững, các nhà đầu tư tập trung về Kon Tum, đặc biệt là các khu công nghiệp, cửa khẩu Bờ Y, Măng Đen Đà lạt 2, khu công nghiệp Hòa Bình thì còn các dự án khác đang tiếp tục phát triển. Đấy muốn nói lên sự chuyển mình của Kon Tum rất mạnh mẽ.”

30 năm sau chia tách, ngày hôm nay tỉnh Kon Tum khoác lên mình màu áo mới, trong đó có sự vươn lên về kinh tế. Từ chỗ tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại dịch vụ chỉ chiếm lần lượt là hơn 7% và trên 23%, đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng tăng gấp 4 lần và thương mại – dịch vụ tăng gần gấp đôi; kết cấu hạ tầng được xây dựng, nâng cấp, thế ngõ cụt về giao thông được phá bỏ. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 22,5 lần so với năm 1991. Từ tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 65%, đến năm 2005 tỉnh Kon Tum không còn hộ đói và đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 10%. Ông Huỳnh Đăng Hải ở thôn Kon Mơ Nây Kơ Tu 2, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum cho biết: “BCH Tỉnh Đảng bộ đã đề ra nghị quyết phát triển tỉnh Kon Tum, trong đó có xây dựng 3 vùng kinh tế độc lập tự chủ để phát triển. Đã kêu gọi đầu tư những tập đoàn lớn, góp phần phát triển tỉnh nhà, giải quyết công ăn việc làm cho bà con nhân dân trong toàn tỉnh.

Là tỉnh Bắc Tây nguyên với hơn 50% dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số, cho đến nay, Kon Tum được biết đến là một địa phương có văn hóa đầy màu sắc. Đó là nét văn hóa Tây Bắc của người Mường, người Tày, người Thái đến văn hóa đại ngàn Tây Nguyên của người Ba Na, Xê Đăng. Trong bức tranh tổng hòa của sự phát triển, có dấu ấn văn hóa của hơn 40 dân tộc anh em. Đối với những người từng gắn bó với Kon Tum hơn 30 năm về trước thì thôn, làng của 30 năm sau, dù nhiều biến chuyển nhưng vẫn vẹn nguyên những giá trị ngàn đời.

Ấm no – hạnh phúc, khát vọng của hơn 30 năm về trước nay đã thành hiện thực. Thành tựu này là kết quả của tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trên hành trình mới, bằng nhân lực – tâm lực – trí lực, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục vững niềm tin vào một Kon Tum tiếp tục vươn mình đổi thay./.

Chung Loan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *