(kontumtv.vn) – Năm 2016, tỉnh Kon Tum ghi nhận 3.433 ca bệnh sốt xuất  huyết Dengue, bệnh xuất hiện trên địa bàn 82 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố, trong đó có 02 ca tử vong. Nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngay từ đầu năm 2017, ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Ngay từ đầu năm 2017, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, chủ động tổ chức giám sát các ổ dịch cũ đã xảy ra sốt xuất huyết Dengue trong năm 2016. Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kon Tum nói: “Bệnh sốt xuất huyết vừa qua đã ghi nhận 40 ca, nhưng chỉ rải rác và không ghi nhận ổ dịch nào. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành một công văn về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Về phía đơn vị thì đã chủ động giám sát các ổ dịch tập trung ở 10 huyện, thành phố”.

Phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết
Phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết

Qua giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum, cho thấy địa bàn khối phố 9, thị trấn Đăk Tô và thôn 8, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô; thôn 10, xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà; tổ 6, phường Thắng Lợi và tổ 9, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum có chỉ số mật độ muỗi và chỉ số Breteau của muỗi Aedes aegypti đều vượt ngưỡng an toàn cho phép. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi sốt xuất huyết Dengue chủ động và kết hợp diệt lăng quăng/bọ gậy tại các hộ gia đình, nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue đang có nguy cơ trở lại.

Song song với việc phun hóa chất diệt muỗi chủ động, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu biết và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết Dengue. Bác sỹ Tô Ngọc Phấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô cho biết: “Đội Y tế dự phòng đã xuống giám sát các chỉ số bọ gậy cũng như công tác vệ sinh môi trường ở các thôn, điểm trọng điểm để có biện pháp chủ động trong công tác phòng chống sốt xuất huyết; phối hợp với các ban, ngành, các xã, các tổ xung kích thôn triển khai công tác vệ sinh và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm hạn chế thấp nhất tình hình mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn”.

Điều kiện vệ sinh môi trường ẩm thấp, xung quanh nhà có nhiều bụi rậm và nhiều vật dụng phế thải chứa nước là nơi thuận lợi cho muỗi Aedes aegypti sinh sản, phát triển gây bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, ngoài việc chủ động của ngành Y tế, người dân cần chủ động vệ sinh môi trường xung quanh để hạn chế muỗi sinh trưởng và phát triển. Có như vậy công tác phòng chống dịch mới thực sự hiệu quả.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *