(kontumtv.vn) – Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, hiện nay, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu vẫn chưa nhập về tỉnh Kon Tum. Trong khi đó, đã xuất hiện nhiều ca phải nhập viện điều trị do mắc bạch hầu.

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, có thể gây ra biến chứng viêm cơ tim do độc tố, biến chứng viêm đa dây thần kinh… Khi bị biến chứng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao cho dù được cấp cứu kịp thời. Điều trị hiệu quả nhất chính là sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Vì loại huyết thanh này vẫn chưa được nhập về Việt Nam nên thời gian này, thuốc kháng sinh là giải pháp tạm thời để điều trị. Tuy nhiên, thực tế, kháng sinh không có khả năng giảm độc tố gây biến chứng mà chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu, giảm khả năng lây lan bệnh từ người này sang người khác. Thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho thấy, từ đầu năm đến nay, Khoa Y học Nhiệt đới của Bệnh viện đã tiếp nhận 9 trường hợp nghi mắc bạch hầu; trong đó, 4 trường hợp dương tính với bệnh. Bác sĩ Lê Thị Chi, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho hay: “Bị bạch hầu mà không có kháng độc tố thì tỷ lệ biến chứng nó cao. Tại vì kháng độc tố thì chỉ dùng cái huyết thanh kháng độc tố để trung hòa độc tố chứ giờ mình chỉ điều trị triệu chứng là cái kháng sinh nâng đỡ cho bệnh nhân thôi”.

Điều trị bệnh nhân bệnh bạch hầu
Điều trị bệnh nhân bệnh bạch hầu

Nhìn lại năm 2018, các ổ dịch bạch hầu bùng phát tại huyện Đăk Hà và Tu Mơ Rông khiến 10 trường hợp mắc bệnh, trong đó, 2 trường hợp đã tử vong do biến chứng của độc tố bạch hầu. Chưa có huyết thanh kháng độc tố thì công tác điều trị bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, bác sĩ Lê Vũ Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: “Trước đây thì Viện Pasteur Nha Trang có sản xuất được huyết thanh này. Tuy nhiên thời gian trước bệnh bạch hầu rất là nhiều trong những thập kỷ trước. Trong thời gian sau này, bệnh chỉ bùng phát lẻ tẻ tại từng địa phương, nó không nhiều, do đó, việc sản xuất họ ngừng lại, không sản xuất nữa. Và vấn đề mà nhập khẩu thuốc về, vì số lượng không lớn do đó các công ty nhập khẩu chậm chễ trong quá trình nhập khẩu thuốc”.

Dấu hiệu đáng mừng là đến thời điểm này, cả 4 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu ở tỉnh Kon Tum đều đã được ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Hiện chỉ còn bệnh nhân Y Đeo (12 tuổi, thôn Đăk Wớt Yốp, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) được điều trị nội trú tại Khoa Y học Nhiệt đới và đang chờ kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Ông A Đáp, người nhà bệnh nhân Y Đeo nói: “Hiện tại, tình trạng bé mừng rồi, biết ăn uống bình thường như lúc trước rồi”.

Đối với những trường hợp mắc bạch hầu, do chỉ điều trị kháng sinh nên sau khi ra viện, các bệnh nhân vẫn phải tái khám thường xuyên để được theo dõi tình trạng sức khỏe và cấp cứu kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *