(kontumtv.vn) – Đến nay, tỉnh Kon Tum đã cơ bản đạt các mục tiêu đề ra về phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đây là kết quả sự nỗ lực phấn đấu, của những giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

 Kết quả đạt được từ công tác phổ cập giáo dục, nhất là phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Đơn cử tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, trước đây tỷ lệ người mù chữ cao, địa phương này gặp khó khăn khi vận động người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Khi xã đạt kết quả tốt về công tác phổ cập, đời sống của bà con đã từng bước được cải thiện. Ông A Yer,  Phó Chủ tịch UBND xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho biết, đến nay 100% thôn, làng của xã Mô Rai đều có điểm lớp mầm non và tiểu học. Trên địa bàn xã đã có đủ hệ thống trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Những lớp học xóa mù chữ do bộ đội biên phòng giảng dạy giờ đã là quá khứ. Ông A Yer phấn khởi nói: “Phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn xã đã lâu lắm rồi, được công nhận phổ cập tiểu học vào năm 2000 và được công nhận phổ cập THCS vào năm 2017”.

Lớp học vùng sâu
Lớp học vùng sâu

Xác định công tác phổ cập giáo dục là quan trọng, góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2017-2020. Trong đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 100% các xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; toàn tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ mức độ 2 và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, nâng cao tỷ lệ số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS ở mức 2. Quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh Kon Tum đã về đích sớm công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ đều vượt so với kế hoạch đề ra. Nói về kết quả nổi bật của công tác phổ cập, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết: “Hiện nay chúng ta duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi trên 100/100 các xã, phường. Đối với phổ cập giáo dục tiểu học hiện nay chúng ta giữ vững và nâng cao mức phổ cập, trong đó giáo dục tiểu học chúng ta có 9/10 huyện đạt mức độ 3. Đối với THCS chúng ta có 3/10 huyện đạt cấp độ 3”.

Để có được kết quả tốt trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, tỉnh Kon Tum đã ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ cho ngành Giáo dục.  Tính riêng giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn đầu tư công để xây dựng trường lớp. Về đội ngũ có 100% cán bộ quản lý có trình độ đạt chuẩn và hơn 91% đạt trên chuẩn; 100% giáo viên THPT, THCS và tiểu học đạt từ chuẩn trở lên; gần 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn, trong đó hơn 80% đạt trên chuẩn. Kết quả này góp phần giúp tỉnh Kon Tum có 56/85 xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 trong xây dựng nông thôn mới về giáo dục và đào tạo, tăng 51 xã so với năm 2010; 45/85 xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về trường học. Ông A Hải, Phó Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô nói: “Công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện đạt được kết quả tốt,  cụ thể là đối với trẻ mầm non 5 tuổi thì 9/9 xã đã đạt. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3, phổ cập THCS đạt mức độ 2. Công tác xóa mù chữ hiện nay 1 xã đạt mức độ 1, 9 xã thị trấn đạt mức độ 2”.

Tỉnh Kon Tum nói chung và các địa phương vùng sâu, vùng xa nói riêng đang từng ngày khởi sắc, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần người dân dần được nâng cao. Trong kết quả chung này có sự đóng góp quan trọng của công tác phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ.

Văn Hiển  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *