(kontumtv.vn) – Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 12/6, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Đam, Phó Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum về hoạt động phòng, chống lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh.

PV: Thưa ông, phòng chống lao động trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Vậy ở Kon Tum vấn đề lao động trẻ em diễn ra như thế nào, có đáng quan tâm hay không?

Ông Vũ Văn Đam: Về cơ sở pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1023/QĐ-TTg, ngày 7/6/2016 về phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020.  Trên cơ sở đó UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 1075/KH-UBND, ngày 19/4/2017 về việc triển khai, thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Theo đó, Sở LĐ – TB&XH với chức năng, nhiệm vụ là quản lý nhà nước đối với các vấn đề của trẻ em đã hướng dẫn các huyện, thành phố thu thập thông tin, tuyên truyền vận động gia đình, nhà trường, xã hội nâng cao nhận thức về vấn đề trẻ em lao động sớm, giảm thiểu lao động trẻ em.

Ông Vũ Văn Đam trả lời phỏng vấn của PV
Ông Vũ Văn Đam trả lời phỏng vấn của PV

PV: Xin ông cho biết, trên địa bàn tỉnh có hay không việc trẻ em lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc và quan điểm của ngành về vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Văn Đam: Theo thống kê của Ngành  LĐ -TB&XH, năm 2017, toàn tỉnh Kon Tum có 1.124 trẻ em tham gia lao động sớm phụ giúp gia đình. Trẻ em lao động sớm phụ giúp gia đình tập trung nhiều nhất ở vùng nông thôn. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em lao động sớm, trong đó tập trung vào 2 nguyên nhân chủ yếu đó là do hộ gia đình đói nghèo, thiếu nhân lực lao động, bố mẹ xao nhãng việc nuôi dạy con cái. Có một thực tế hiện nay cần phải suy ngẫm đó là đa số trẻ em bỏ học tham gia lao động sớm khi được hỏi đến ước mơ, các em gần như không muốn có cơ hội trở lại trường học mà muốn được đi làm, với rất nhiều lý do như không muốn là gánh nặng cho gia đình. Đa số trẻ em lao động sớm  trên địa bàn tỉnh tham gia lao động nông nghiệp là chủ yếu, có sự quản lý của gia đình với các nghề như khai thác mủ cao su, cà phê, mì, kiếm củi…Thống kê của Ngành LĐ – TB&XH Thông qua Thanh tra Sở phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cho thấy không sử sụng lao động trẻ em, nên không xảy tình trạng trẻ em lao động nặng nhọc, lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm, bị bóc lột sức lao động như việc phải đi làm thuê cho các chủ sử dụng lao động ở các ngành nghề công nghiệp.

PV: Theo ông, ngoài nỗ lực của ngành, để ngăn ngừa tình trạng lao động ở trẻ em thì cần có sự chung tay của cộng đồng xã hội như thế nào?

Ông Vũ Văn Đam: Trong khi chờ đợi Chính phủ có chính sách dành riêng cho đối tượng trẻ em lao động sớm thì các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là các bậc cha mẹ trong việc quan tâm, tạo điều kiện cho con mình được học tập. Các cấp, các ngành cũng cần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới để thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống và nhu cầu ngày càng cao về mọi mặt của nhân dân; tiếp tục xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào công đồng tại các địa phương.  Sự chung tay của cả cộng đồng xã hội, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là giảm nghèo bền vững vì nghèo đói là nguyên nhân dẫn đến trẻ lao động sớm; thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần giảm tỷ lệ trẻ em lao động sớm trên địa bàn toàn tỉnh.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *