(kontumtv.vn) – Tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung sâm Ngọc Linh vào danh mục sản phẩm quốc gia, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Sâm Ngọc Linh cũng là sản phẩm quốc gia đầu tiên trong lĩnh vực dược liệu. Là một trong hai địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ, tỉnh Kon Tum đang có những bước đi vững chắc để bảo tồn, phát triển cây sâm và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm này.

Hiện nay, huyện Tu Mơ Rông có gần 330 ha diện tích sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng tự nhiên. Huyện chủ trương đến năm 2020, đưa tổng diện tích cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn lên 500 ha. Để đạt được mục tiêu này, huyện tích cực triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh thực hiện mô hình tổ liên kết trồng sâm Ngọc Linh giữa doanh nghiệp và nhân dân. Điển hình như xã Măng Ri hiện có 8 tổ liên kết trồng sâm giữa người dân và Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Số lượng thành viên tham gia là 220 hộ dân, làm việc trực tiếp tại vườn sâm của công ty. Công việc chính của người dân khi tham gia tổ liên kết là ươm giống trồng sâm, chăm sóc, quản lý và bảo vệ vườn sâm 24/24 giờ mỗi ngày. Mỗi tháng, các hộ dân được công ty cấp 21 kg gạo, được trả lương công chăm sóc, bảo vệ vườn sâm từ 3 – 3,5 triệu đồng/tháng. Bà con ai nấy vui mừng, phấn khởi khi vừa được hưởng tiền dịch vụ quản lý, bảo vệ rừng, vừa được trồng và thu hoạch sâm trên chính diện tích rừng do mình quản lý. Anh A Cheng (thôn Chung Tam, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) nói: “Khi bà con tham gia liên kết trồng sâm với Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum thì rất có lợi ích. Bà con thu nhập 1 tháng 3 triệu, một năm công ty cho bà con một người 100 gốc sâm, rất có lợi. Bà con rất có ý thức về trồng sâm Ngọc Linh, có ý thức bảo vệ, chăm sóc sâm, sau này để lợi ích cho bà con mình”.

Sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh

Ưu điểm của mô hình này là tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn huyện, góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nhân dân, giúp bảo tồn nguồn sâm quý. Đồng thời là tiền đề làm tốt công tác quản lý, bảo vệ giống sâm Ngọc Linh, không để tình trạng sâm giả trà trộn, ảnh hưởng đến nguồn gen sâm sau này. Đây chính là điều kiện cơ bản giải quyết bài toán bảo tồn, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum về lâu, về dài.

Trên thực tế, từ năm 1998, người dân ở các xã Ngọc Lây, Măng Ri, Tê Xăng của huyện Tu Mơ Rông đã bắt đầu trồng sâm Ngọc Linh, nhưng với số lượng hạn chế, rải rác và thiếu tập trung. Từ năm 2013 đến nay, diện tích sâm Ngọc Linh do bà con tự trồng phát triển mạnh, khoảng 14 ha. Là một trong 23 hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh tại thôn Lộc Bông, xã Ngọc Lây, gia đình anh A Grỗi có khoảng 20.000 đến 30.000 gốc sâm Ngọc Linh đã trồng hơn 10 năm tuổi. Giống sâm đều được anh mang từ rừng về trồng. Anh A Grỗic ho biết: “Giống trước đây mình tìm từ rừng về, rồi từ từ nó phát triển, nó không phải như cây khác, một năm mình trồng 1 lần. Lấy giống nó, lấy hạt nó, trước đây mình đi rừng mình nhổ, gom vô 1 chỗ, 1 diện tích, dần dần như thế”.

Giống như gia đình anh A Grỗi, anh A Đang ở thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri, trồng hơn 500 gốc sâm cũng được di thực từ rừng về. Anh trồng theo hình thức liên kết giữa các nhóm hộ. Anh A Đang nói: “Bọn tôi ở đây trồng sâm Ngọc Linh theo nhóm hộ. Nhóm hộ bọn tôi là 3 hộ. Về việc tổ chức làm, cách làm, trước hết là rào lô đất rồi bọn tôi thực hiện lên luống và kiếm giống để trồng. Bảo vệ thì chúng tôi cũng chia nhau. Ví dụ tuần này hộ này trực, tuần sau hộ kia trực để cho an toàn cây sâm. Cái giống chúng tôi cũng vào rừng kiếm. Củ to thì chúng tôi bán, củ nhỏ thì chúng tôi trồng lại để không mất cái nguồn giống sâm dược liệu này”.

 “Hiện nay trên địa bàn 3 xã Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây, bà con đã trồng trên diện tích là hơn 14 ha. Năm 2018, bà con đã xây dựng kế hoạch trồng rất  sớm. Qua sơ bộ tổng hợp lại, diện tích bà con đang gieo ươm, khả năng năm 2018 sẽ trồng thêm 4-6 ha sâm Ngọc Linh nữa. Trong tương lai sau này cho tới năm 2020, tin tưởng rằng vùng sâm bà con trồng trên địa bàn Tu Mơ Rông sẽ tăng lên từ 20 – 30 ha”. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.

Để xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, cung cấp cho hoạt động chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tỉnh Kon Tum đang từng bước chuẩn hóa quy trình trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân trồng, phát triển cây sâm Ngọc Linh với chủ trương cho thuê rừng mức tạm thu mỗi năm 600.000đ/ ha; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng giống sâm trồng nhằm ngăn chặn các loại sâm giả trà trộn, ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu sâm Ngọc Linh. Gần đây nhất, việc thành lập Hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã tạo điều kiện tập hợp, đoàn kết hội viên; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đơn vị kinh doanh, sản xuất sâm Ngọc Linh, qua đó hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ông Vương Văn Mười cho biêt: “Huyện Tu Mơ Rông là một trong những vùng gốc sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum. Để bảo tồn giống sâm này, hiện nay huyện cũng đã triển khai thứ nhất là tuyên truyền, vận động bà con bảo tồn nguồn gen quý của sâm Ngọc Linh, không mua những giống sâm lạ không phải nguồn gốc là sâm Ngọc Linh của huyện Tu Mơ Rông để trồng. Thứ hai tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng vì sâm trồng phải nhờ tán rừng. Để đầu tư, UBND huyện lồng ghép tất cả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, tập trung cho ba xã hiện nay là Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây đẻ bà con trồng sâm. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển, bảo tồn sâm Ngọc Linh thành trung tâm sâm của huyện”.

Là sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý, được bổ sung vào danh mục sản phẩm quốc gia, cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum đang đứng trước thời cơ thuận lợi để trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Cùng với việc triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án về cây sâm, tỉnh Kon Tum tiếp tục quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh rộng gần 32.000 ha tại 8 xã của hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Trong đó, diện tích vùng lõi trồng sâm gần 10 nghìn ha. Đến năm 2020 tỉnh phấn đấu trồng được 1.000 ha, sản lượng 190 tấn và đến năm 2025 trồng hết diện tích đất vùng lõi với quy mô công nghiệp. Mục tiêu của địa phương là đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ lực trong phát triển kinh tế, xã hội và đa dạng hóa nhiều loại sản phẩm để phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thu Trang – Ngọc Chí

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *