(kontumtv.vn) – Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay có chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”. Trong khuôn khổ Tháng hành động từ ngày 10/11 – 10/12, ngành Y tế tỉnh Kon Tum tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Lễ hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS diễn ra cuối tháng 11/2019 được tổ chức tại sân vận động huyện Sa Thầy với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, học sinh, đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang trên địa bàn. Phát biểu của đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã làm rõ thêm ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cùng hành động để kết thúc dịch AIDS. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hưởng ứng Thành hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động: “Trong năm nay, ngành Y tế đã triển khai các hoạt động để đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS như tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người nhiễm HIV, tư vấn tại các cơ sở về lợi ích của việc sớm xét nghiệm HIV và điều trị thuốc ARV sớm, truyền thông đại chúng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV; đặc biệt là tăng cường biện pháp thông tin, giáo dục, tuyên truyền và truyền thông thay đổi hành vi cũng như là mở rộng bao phủ hoạt động can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV/AIDS bằng đẩy mạnh các dịch vụ cung cấp như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su để dự phòng công tác phòng chống HIV/AIDS”.

Lễ hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS
Lễ hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS

Tại Lễ hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã cam kết chung tay cùng hành động để kết thúc dịch AIDS. Anh A Ten, Bí thư Huyện đoàn Sa Thầy cho hay: “Trước đây, khi chưa hiểu biết về con đường lây lan của HIV/AIDS thì rất nhiều đoàn viên, thanh niên rất kỳ thị và đặc biệt là tránh xa các đối tượng này, nhưng từ khi các ban, ngành, các cấp của huyện cũng như Huyện Đoàn tuyên truyền và tập huấn cho các đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các cán bộ Đoàn ở cơ sở, chi đoàn thì hiện nay, đoàn viên, thanh niên không còn kỳ thị đối với những trường hợp nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là những trường hợp sử dụng ma túy nữa. Từ đó, để hoạt động tốt và vận động được họ vào trong tổ chức của Đoàn”.

Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh, lũy tích đến nay, toàn tỉnh Kon Tum có 495 trường hợp nhiễm HIV/AIDS; trong đó, hơn 280 bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS với 187 trường hợp tử vong. Số người có HIV còn sống đang được quản lý là 149/308 người, chiếm tỷ lệ 49%. Các trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ 20 – 30 tuổi; đặc biệt độ tuổi từ 20 – 29 tuổi chiếm tỷ lệ mắc cao nhất, khoảng 50%. Hiện toàn tỉnh có 65/102 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Riêng 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn đã phát hiện 22 ca mắc mới HIV, tăng 7 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, những năm gần đây, số bệnh nhân nhiễm HIV là người dân tộc thiểu số có dấu hiệu gia tăng. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói: “Số bệnh nhân nhiễm HIV là người đồng bào dân tộc thiểu số so với trước đây càng ngày càng tăng lên. Nguyên nhân là do phong tục tập quán khác biệt, xuất hiện tình trạng di dân từ nơi khác tới cho nên khó kiểm soát bệnh nhân nhiễm HIV, nên các hoạt động tuyên truyền cũng như hướng dẫn những kiến thức phòng chống HIV còn hạn chế. Và một nguyên nhân nữa là tình trạng bệnh nhân nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy cũng như quan hệ tình dục trong nhóm này cũng là một trong những nguy cơ lây nhiễm HIV”.

Theo ngành Y tế tỉnh Kon Tum, phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả, điều quan trọng là cả cộng đồng cùng chung tay hành động; trong đó, ngành Y tế cần tiếp tục làm tốt công tác dự phòng chống lây nhiễm, tích cực vận động người nhiễm HIV tự nguyện mua thẻ BHYT với mục tiêu 90% người nhiễm được điều trị thuốc ARV; các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là thay đổi thái độ, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Về phía cơ quan chức năng, lực lượng công an cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy, mại dâm. Các địa phương chú trọng đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV tái hòa nhập cộng đồng.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *