(kontumtv.vn) – Đến cuối tháng 3/2016, tỉnh Kon Tum có gần 1.400 ha cây trồng bị ảnh hưởng do nắng hạn. Trong đó hơn 880 ha lúa nước, gần 500 ha cây công nghiệp, hơn 10 ha rau màu bị thiệt hại. Về nước sinh hoạt, có 10 công trình nước tự chảy bị cạn đầu mối,  gần 4.150 giếng nước bị khô cạn, làm cho trên 5.400 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Ước tổng thiệt hại do nắng hạn gây ra khoảng 51 tỉ đồng.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, nếu tình hình nắng hạn tiếp tục kéo dài thì đến cuối vụ đông xuân năm nay, có khoảng 6.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó có 1.100 ha lúa nước, chiếm 1/7 diện tích vụ đông xuân toàn tỉnh bị thiệt hại. Về cây công nghiệp sẽ có 5.000 ha cà phê bị thiếu nước tưới. Về nước sinh hoạt có khoảng 5.000 giếng nước bị khô cạn, theo đó 7.500 hộ gia đình sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Do khô hạn, gần 3 tháng nay gia đình chị Cao Thị Hồng (thôn 3, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) phải sử dụng nhờ giếng nước của gia đình chị Nguyễn Thị Tâm bên cạnh nhà. Giờ giếng nước nhà chị Tâm cũng cạn sau hai lần nạo vét. Điều này khiến 2 gia đình càng khó khăn hơn. Chị Hồng than: “Nước không có, không tắm cho heo được nên gia đình cũng không chăn nuôi được, nguồn kinh tế gia đình đã khó khăn rồi. Nước sinh hoạt trong gia đình cũng hạn hữu, xin về chỉ đủ nấu ăn thôi, chứ giặt cũng hạn chế. Gia đình cũng không biết tìm nguồn nước ở đâu”.

Nếu nắng hạn kéo dài, Kon Tum sẽ có
Nếu nắng hạn kéo dài, Kon Tum sẽ có 1/7 diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại

Tính đến cuối tháng 3/2016, trong tổng số 50 công trình hồ đập do Ban Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum quản lý có đến 8 hồ đập rơi vào mực nước chết và dưới mực nước chết; có 6 công trình có mực nước cao hơn đáy cống từ 0,8 – 1,5 m. Điều này khiến năng lực tưới của các hồ đập bị hạn chế. Đơn cử như đập C19, công trình phục vụ tưới cho trên 200 ha cà phê ở xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, hiện mực nước của hồ đã thấp hơn đáy cống 60 cm.

Mặc dù đã chủ động phòng chống hạn từ cuối năm 2015, nhưng do tính phức tạp của thời tiết, nắng nóng kéo dài, làm thiệt hại hàng ngàn ha cây trồng và hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Kon Tum đã ra quyết định công bố thiên tai hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh với rủi ro cấp độ 1 vào ngày 16/3/2016. Trước đó, Tỉnh ủy Kon Tum và UBND tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành và các huyện, thành phố triển khai các giải pháp cấp bách để chống hạn, giúp người dân giảm thiệt hại do nắng nóng gây ra. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Hải cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các huyện rà soát, nắm chắc lại vấn đề này, diện tích nào có thể cứu được thì tập trung nguồn lực để cứu, những vùng nào không có lưu vực, không có nguồn nước thì khoanh lại để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Có chính sách hỗ trợ cứu đói, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho vụ mùa sắp đến. Đối với nước sinh hoạt, rà soát lại các địa phương, nạo vét, thông dòng, thông tuyến, nạo vét giếng, những vùng thiếu nước phải chở nước cho nhân dân. Quan điểm chung là không để dân đói, khát trong mùa hạn”.

Mặc dù đã chủ động và nỗ lực chống hạn, nhưng do thời tiết cực đoan đã gây nên thiệt hại lớn cho tỉnh Kon Tum. Nhiều tháng qua tỉnh Kon Tum hầu như không có mưa. Có thời điểm nhiệt độ lên đến 39 độ C, cao kỷ lục từ trước đến nay. Đáng quan tâm là lượng nước các sông, suối, hồ trong mùa khô năm nay thiếu hụt so với trung bình các năm từ 60-80%. Đây là mức thiếu hụt cao nhất trong 40 năm qua. Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum nói: “Trong thời gian từ nay đến cuối tháng tư, trên địa bàn tỉnh sẽ có những trận mưa trái mùa. So với mọi năm, các trận mưa trái mùa sẽ đến muộn hơn, lượng nước mưa ít hơn. Năm nay khả năng mùa mưa sẽ đến muộn hơn so với nhiều năm từ 15-20 ngày, tức là khoảng giữa tháng 5 thì mùa mưa mới chính thức bắt đầu. Do vậy tình hình khô hạn tiếp tục gay gắt”.

Nguyên nhân chính làm thời tiết, khí hậu tỉnh Kon Tum không còn ôn hòa như trước, ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, còn có nguyên nhân chủ quan là do diện tích rừng tự nhiên của tỉnh bị thu hẹp để nhường chỗ cho cây trồng khác; quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp chưa cụ thể hoặc phát triển sản xuất ồ ạt không tuân thủ theo quy hoạch… Đơn cử như hồ C19 ở huyện Đăk Tô bị quá tải trên 250% và sẽ bị quá tải nhiều hơn trong thời gian đến là minh chứng. Bởi lẽ hàng ngày, hàng tuần, người dân ở đây đốn hạ cao su để trồng cà phê, hồ tiêu mà chưa được chính quyền địa phương tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ thiếu nước tưới.

Khắc phục tình trạng hạn hán, giúp người dân bớt khó khăn trong vụ đông xuân 2015-2016 là cấp bách. Tuy nhiên về lâu dài, nếu không có những giải pháp phù hợp, khả năng nắng hạn sẽ gay gắt hơn, thiệt hại do thiên tai sẽ khủng khiếp hơn là khó tránh khỏi. Nếu tình trạng sản xuất nông nghiệp không tuân thủ theo quy hoạch và nếu không ngăn chặn được tình trạng chuyển đổi cây trồng một cách tự phát như hiện nay, thì việc những hồ đập bị khô hạn sẽ tiếp tục diễn ra và công tác chống hạn trong những năm tiếp theo sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động lên đời sống của từng người dân, đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Kon Tum. Đối phó với thực trạng này, cần có những giải pháp tổng thể, phù hợp với đặc thù của tỉnh Kon Tum, phù hợp với giải pháp phòng, chống biến đổi khí hậu quốc gia và thế giới. Trong đó, việc trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tạo nguồn sinh thủy gắn với quy hoạch và tổ chức sản xuất theo quy hoạch là hết sức cần thiết.

                                                Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *