(kontumtv.vn) – Dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vậy vì sao phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải tích tụ ruộng đất? Việc tích tụ ruộng đem lại lợi ích cho người trong dân như thế nào? Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh.

PV: Thưa ông, để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì việc tích tụ ruộng đất đóng vai trò quan trọng như thế nào? Và vì sao việc tích tụ ruộng đất đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao?

Ông Trần Văn Chương: Việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất đóng vai trò quan trọng trong sản xuất NNCNC, đây là một yêu cầu tất yếu của sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp hàng hóa với chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như trên thế giới, chúng ta cần phải tích tụ, dồn đổi ruộng đất để có diện tích đủ lớn để thực hiện sản xuất NNCNC. Chính vì vậy, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kết luận số 366, ngày 17/2/2017 về chủ trương dồn đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn phát triển NNCNC.Việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hoá, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng lợi thế và có thị trường tiêu thụ chắc chắn. Hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn; sản xuất sản phẩm giá trị cao có sự liên kết, hợp tác giữa nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, tạo tiền đề cho một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, tăng hệ số sử dụng đất; khai thác, sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả tài nguyên đất đai.

PV: Thưa ông, việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất đem lại lợi ích cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp như thế nào?

Ông Trần Văn Chương trả lời phỏng vấn của PV
Ông Trần Văn Chương trả lời phỏng vấn của PV

Ông Trần Văn Chương: Lợi ích cho người nông dân khi dồn, đổi tích tụ ruộng đất cụ thể là việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất để cho doanh nghiệp, cá nhân thuê đất thì nông dân sẽ được trả tiền lần đầu 50% thời gian thuê đất, thời gian còn lại sẽ trả theo từng năm. Doanh nghiệp sẽ hợp đồng lao động với người dân để thực hiện sản xuất nông nghiệp, người nông dân vẫn được sản xuất trên đất của mình và có thu nhập do doanh nghiệp chi trả. Vấn đề quan trọng là quyền sử dụng đất của người dân, hiện trạng đất vẫn không thay đổi, khi hết thời gian cho thuê thì người dân vẫn có thể lấy lại và sản xuất trên đất của mình.

PV: Thưa ông, Sở NN&PTNT đã và đang triển khai những hoạt động gì nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất của tỉnh?

Ông Trần Văn Chương: Sở NN&PTNT đã phối hợp với các đơn vị, địa phương có văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng Dự án cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao của các công ty, như  Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, một số dự án về rau, hoa, củ quả sản xuất áp dụng công nghệ cao. Triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn đối với các sản phẩm hàng hoá có lợi thế trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 1478/QĐ-UBND, ngày 06/12/2016 của UBND tỉnh; ban hành Văn bản hướng dẫn các địa phương về quy hoạch chi tiết lại đồng ruộng và xây dựng hệ thống giao thông, kiên cố hoá kênh mương nội đồng để tạo điều kiên cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển NNCNC; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ xây dựng cách đồng lớn trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

                                                                                     Thanh Tùng – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *