(kontumtv.vn) – Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 3-4%. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, ngày 24/8/2016, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 06 về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Đây được coi là cơ sở quan trọng để các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Tính đến cuối năm 2016, tỉnh có Kon Tum có gần 29.000 hộ nghèo và trên 8.350 hộ cận nghèo. Trong đó, có hơn 44% hộ nghèo và gần 35%  hộ cận nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở. Nhằm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, các địa phương đã linh hoạt kết hợp nhiều nguồn vốn đầu tư, gắn với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, tổng kinh phí thực hiện Đề án Giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum hơn 8.400 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực giảm nghèo được ưu tiên phân bổ để phát triển kinh tế – xã hội tại các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt tại các xã vùng sâu từng bước được cải thiện.

Song song với việc hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế, 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kon Plông huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cán bộ công chức và người dân trên địa bàn huyện đóng góp 3,2 tỷ đồng, sửa chữa, xóa nhà tạm cho các gia đình  khó khăn. Sự hỗ trợ này tạo tiền đề để mỗi hộ nghèo vượt khó, đồng thời giúp các địa phương của huyện đẩy nhanh việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế
Hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế

Năm 2015, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Năm hỗ trợ gia đình chị Y Lúp (thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông) 30 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Sau 3 tháng khởi công, cùng với sự giúp đỡ của người dân trong thôn, căn nhà đã hoàn thành. Không còn lo lắng về nơi ở khi tách hộ, 2 vợ chồng tập trung làm ăn, nỗ lực thoát nghèo. Chị Y Lúp chia sẻ: “Bữa trước ở chung với bố mẹ, sinh hoạt của mình không tiện, mình cũng có một nhà riêng, hộ nghèo 2 vợ chồng không có điều kiện để làm. Lúc đó xã rà soát, xong rồi cho bọn em làm nhà. Bữa nay có nhà mới yên tâm về chỗ ở rồi, làm ăn tốt hơn, yên tâm có nhà ở mình nuôi con cái”.

Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát huy nội lực, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, hỗ trợ các gia đình khó khăn.

Đây là một trong những hoạt động chung tay vì người nghèo được triển khai có hiệu quả tại xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Đều đặn, ngày 10 hàng tháng, người dân thôn Bắc Phong thực hiện lễ chào cờ. Và như một nếp quen, sau khi kết thúc buổi lễ, các hộ dân tự nguyện bỏ tiền vào thùng quyên góp của thôn. Số tiền đóng góp không giới hạn, có thể là 5.000 đồng, 10.000 đồng hoặc nhiều hơn tùy lòng hảo tâm của mỗi người. Đến nay, Quỹ “Hũ gạo tình thương” của thôn đã quyên góp hơn 10 triệu đồng hỗ trợ cho 6 gia đình khó khăn. Hiện mô hình được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Pờ Y nhân rộng ở tất cả 8 thôn. Ông Vũ Trọng Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Pờ Y nói: “Về an sinh xã hội trên địa bàn xã được triển khai đồng bộ và được quan tâm, đặc biệt những hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo được quan tâm kịp thời. Tạo điều kiện hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về tinh thần, vật chất để tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách vươn lên, có mức sống trung bình trên địa bàn”.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, 5 năm qua, huyện Sa Thầy đã giải ngân gần 18 tỉ đồng từ chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ nghèo dân tộc thiểu số. Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, huyện đã chủ động rà soát, đánh giá lại nhu cầu thực tế của người dân, chuyển đổi hỗ trợ đất sản xuất sang hình thức hỗ trợ bò sinh sản, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho bà con.

Anh A Đoanh ở thôn Kleng, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy là một trong những hộ thoát nghèo nhờ sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ. Cụ thể, năm 2016, huyện Sa Thầy triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hơn 300 hộ nghèo dân tộc thiểu số, anh nằm trong số đó và được hỗ trợ 15 triệu đồng. Có tiền anh vay thêm vốn đầu tư mua đất, mở rộng diện tích trồng cà phê. Đây là thành quả đầu tiên anh thu được từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của gia đình. Càng phấn khởi hơn khi vụ cà phê đầu tiên đã giúp anh trả nợ ngân hàng, mở ra hướng thoát nghèo cho gia đình, trở thành gương điển hình vượt khó. Cuối năm 2018, anh được người dân thôn Kleng tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Anh A Đoanh chia sẻ: “Từ Chương trình 755 hỗ trợ cho hộ nghèo, thiếu đất sản xuất kinh doanh, gia đình tôi được hưởng chương trình đó. Tôi hưởng cách đây 2 năm, hồi đó đất tôi được 5 ha, Nhà nước hỗ trợ 15 triệu, cùng với vốn vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu. Nhờ vốn đó tôi đầu tư trồng cà phê và đào ao tưới, tôi cũng bỏ thêm cá giống để thêm thu nhập. Hiện nay gia đình tôi thấy đỡ vất vả hơn”.

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, kết quả giai đoạn 2015-2020, tỉnh Kon Tum có trên 20.900 hộ thoát nghèo, hơn 10.900 hộ thoát cận nghèo, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XV đề ra và vượt 4% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo của tỉnh. Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Kon Tum tiếp tục đặt ra mục tiêu giảm bình quân 3-4% hộ nghèo mỗi năm.

Linh Thủy – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *