(kontumtv.vn) – Tập trung triển khai mọi biện pháp ứng phó với lũ lụt, bão mạnh và siêu bão, đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Hải tại Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và quản lý bảo vệ rừng năm 2016.

Hội nghị trực tuyến của UBND tỉnh Kon Tum
Hội nghị trực tuyến của UBND tỉnh Kon Tum

Trong năm 2015, do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, mưa lũ, giông sét, tỉnh Kon Tum đã có 2 người chết; sập đổ, tốc mái 63 căn nhà; hư hại hơn 60 ha lúa, gần 3 ha hoa màu và hơn 170 ha cà phê, cao su, hồ tiêu bị gãy đổ. Trong vụ đông xuân có trên 250 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán và khoảng 860 ha sắn bị chết. Các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ một số đoạn bị hư hỏng, gây khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại. Giá trị thiệt hại ước tính khoảng 22 tỷ đồng. Riêng thiệt hại do thiên tai gây ra trong 6 tháng đầu năm 2016 đối với diện tích cây trồng gần 4.200 ha; 58 công trình nước sinh hoạt và nguồn nước đến các đầu mối bị cạn kiệt và khoảng 8200 giếng nước bị khô cạn, làm cho trên 12.600 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Trong khoảng thời gian cuối tháng 4 và giữa tháng 5/2016, đã xảy ra một số trận mưa đá kèm theo gió lốc, giông sét, làm cho 2 người bị thương; 181 ngôi nhà hư hại, làm tốc mái một số trường học, trạm y tế và cơ sở làm việc, hư hại hàng chục ha cây hoa màu và công nghiệp. Ước thiệt hại khoảng 190 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hải nhấn mạnh, mùa mưa lũ năm 2016, theo dự báo có khoảng 2- 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10. Do đó các cấp chính quyền, đơn vị phải tập trung mọi biện pháp để ứng phó với bão mạnh và siêu bão. Tỉnh Kon Tum là địa bàn có địa hình đồi dốc chia cắt mạnh, rất dễ xảy ra lũ quét và lũ úng, do đó đề nghị các địa phương cần rà soát lại các điểm xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng người dân để có biện pháp di dời hợp lý. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được các cấp chính địa phương đẩy mạnh, để người dân không bị động, rút kinh nghiệm trong đợt hạn hán vừa qua. Các cấp, ngành phải vào cuộc quyết liệt để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Các cơ quan báo chí, đài khí tượng thủy văn kịp thời cung cấp các thông tin, dự báo để người dân nắm bắt. Đồng thời, các thành viên trong Ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tích cực kiểm tra các dụng cụ phục vụ cứu người, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các công trình hồ đập thủy lợi để khắc phục kịp thời, tránh nguy cơ vỡ đập.

Đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các đơn vị vừa được các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng phá rừng, cần phải tập trung làm rõ các nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng, không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác, tập trung trồng rừng, dừng tận thu gỗ; tập trung xử lý các xưởng gỗ ngoài quy hoạch, các xưởng không có giấy phép, gỗ không chứng minh được nguồn gốc.

                                                                             Duy Phong – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *