(kontumtv.vn) – Cùng với chịu ảnh hưởng do rừng đầu nguồn bị thu hẹp, lòng hồ bồi lấp, các công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh Kon Tum cung cấp nước tưới vượt quá năng lực thiết kế, do diện tích cây trồng cần nước phát sinh ngày một nhiều.

Không những thất thu, mà vườn cà phê của gia đình chị Bùi Thị Thuấn  (thôn Hào Lý, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) còn đối mặt với nguy cơ chết cả vườn cây do không còn nước tưới. Xảy ra điều đáng tiếc này một phần do nắng hạn. Nguyên nhân sâu xa hơn là do gia đình chị Thuấn chuyển đổi từ cây mì sang trồng cây cà phê mà bất chấp cảnh báo của chính quyền địa phương về khả năng cung cấp nước tưới của công trình thủy lợi trong khu vực. Chị Thuấn than: “Giờ cây cà phê bị khô vì không có nước tưới, kéo máy vào bỏ trơ cả tuần nay mà không có nước. Giờ nhìn vườn cà phê mà đau xót, mất mát cho gia đình mà không thể cứu vớt được”.

Nắng hạn, đặc biệt là sự quá tải trong việc cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của các công trình thủy lợi là một trong những nguyên nhân làm cho diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum bị thiệt hại nhiều. Đáng quan tâm là các công trình thủy lợi bị quá tải ngày càng tăng lên và nguy cơ thiệt hại sẽ nặng nề hơn là khó tránh khỏi. Ông Trương Hồng Sơn, Ban Quản lý các công trình thủy lợi Kon Tum nói: “Các công trình đầu mối thủy lợi thường bị thiếu nước do các nguyên nhân: Thảm phủ đầu nguồn ngày càng bị thu hẹp, qua nhiều năm sử dụng lòng hồ bị bồi lấp. Trong thời gian gần đây dân tự phát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cao su qua trồng cà phê, hồ tiêu, làm tăng diện tích sử dụng nước lên. Đó là những nguyên nhân cơ bản”.

Hồ chứa nước khô cạn
Hồ chứa nước khô cạn vì nắng hạn và quá tải

Tính riêng địa bàn huyện Đăk Tô, trong tổng số 35 công trình thủy lợi do Trạm Thủy nông Đăk Tô quản lý, có đến 10 công trình bị quá tải từ 130% đến gần 400%. Như đập TàKan (thôn 4, xã Diên Bình) được thiết kế tưới cho 22 ha lúa nước và cây công nghiệp, nhưng vụ đông xuân năm nay phải gồng mình tưới cho gần 30 ha cây công nghiệp và 6 ha lúa nước. Sự quá tải của đập TàKan và các công trình thủy lợi khác chưa dừng lại khi nhiều vườn cao su quanh đập đã được chặt hạ để trồng cà phê và hồ tiêu. Nguyên nhân của vụ việc là do địa phương chưa quy hoạch tổng thể sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng người dân tự ý chuyển đổi từ các loại cây trồng khác sang trồng cà phê, hồ tiêu vượt quá năng lực tưới của các hồ đập. Ông Tưởng Văn Khanh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô cho biết: “Chủ yếu mình tập trung tuyên truyền, vận động là chính, thứ nhất tập trung tuyên truyền người dân chủ động nguồn nước tưới như đào ao tích trữ nguồn nước, thứ hai tưới tiết kiệm so với định mức”.

Rõ ràng giải pháp tuyên truyền, vận động người dân chủ động nguồn nước tưới đã không phát huy hiệu quả. Hệ lụy là diện tích cây trồng cần nước tưới nhiều như cà phê, hồ tiêu ngày càng tăng. Theo đó sự quá tải của các hồ đập cũng tăng dần. Để đảm bảo các công trình hồ đập phục vụ sản xuất được lâu dài,  giảm bớt thiệt hại do nắng hạn gây ra, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp căn cơ hơn như quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, cần bảo vệ rừng đầu nguồn các hộ đập và phải kiên quyết không để các công trình thủy lợi tiếp tục bị quá tải.

                                                          Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *