(kontumtv.vn) – Chiến tranh đã lùi xa 42 năm, thế nhưng đối với những người lính từng tham gia chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, ký ức của một thời hào hùng vẫn còn sống mãi trong tâm trí họ.
Tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân 1, năm 1963, ông Đào Xuân Tỉnh (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) quê huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình được biên chế vào Trung đoàn 364, Sư đoàn 3, tham gia chiến đấu ở chiến trường B4 (Bình Trị Thiên) và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh,trung đoàn của ông tham gia đánh vào căn cứ Xuân Lộc và tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. 42 đã đi qua, nhưng trận đánh vào căn cứ Xuân Lộc ông vẫn còn nhớ mãi. Ông Đào Xuân Tỉnh kể: “Được lệnh của Bộ Tổng tham mưu, Mặt trận Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi bằng mọi giá đã họp đơn vị và cùng anh em quyết tâm chiến đấu đến cùng để đánh giải phóng Xuân Lộc. Với tinh thần chiến đấu, bộ đội ta đánh 3 đêm, 3 ngày, anh nọ chết anh kia xông lên, có đồng chí bị thương gãy chân nhưng vẫn bắn xe tăng địch, đó là một tinh thần chiến đấu rất anh dũng, ngay đơn vị tôi có đồng chí Hào đã hy sinh lúc bắn B40 tiêu diệt được xe tăng địch. Mặt trận Xuân Lộc là một mặt trận ác liệt nhất, kẻ địch có dồn mấy lực lượng nhưng cũng không làm gì, đến ngày 28/5, 5 giờ chiều thì chúng tôi giải phóng được Xuân Lộc. Được lệnh của trên là sư đoàn chúng tôi cùng với Sư đoàn 5 tiếp tục đánh về giải phóng Sài Gòn. Với tôi, đó là một trong những cảm xúc không thể nào quên, là bao nhiêu năm trời chiến đấu gian khổ, ác liệt, đói cơm nhạt muối, nhưng không sung sướng gì bằng vào giải phóng Sài Gòn. Vì đất nước ta được hoàn toàn thống nhất, dân tộc ta độc lập, tự do. Dân tộc Việt Nam đã đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để thống nhất nước nhà. Lúc đó tôi sung sướng trào dâng nước mắt, mừng quá mà khóc”.
Còn đối với cựu chiến binh Phan Khắc Long (tổ 17, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum), những ngày tháng tư lịch sử này khiến ông bồi hồi, xúc động, nhớ về đồng chí, đồng đội ở Trung đoàn 24, Quân Khu 8 đã cùng ông tham gia chiến đấu ở mặt trận miền Tây Nam bộ, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông Phan Khắc Long nhớ lại: “Trận đánh để lại nhiều dấu ấn và nhiều kỷ niệm nhất là khi đánh vào cầu Chữ Y, sáng 30/4 khi chúng tôi hành quân từ bên kia sông Sài Gòn sang Quốc lộ 5B để đánh vào cầu Nhị Thiên Đường và cầu Chữ Y. Lúc đầu đơn vị triển khai đơn giản thôi, khi giải phóng cầu Nhị Thiên Đường thì từ 5 giờ sáng đến 7 giờ xong hoàn toàn. Nhưng đến lúc đánh vào cầu Chữ Y thì quân giặc nó tập trung nhiều hỏa lực, tập trung kiên cố quá, nó chống cự quyết liệt, cho nên lo không vào đánh vào Sài Gòn lúc 10 giờ được, cho nên đơn vị tập trung bằng mọi cách để đánh, chỉ huy điều động thêm các lực lượng ở phía ngoài vào nữa, sau đó điều thêm Trung đoàn 207 tập trung vào đánh nữa, đến 8h30 mới nhổ được cái bót ở cầu Chữ Y. Khi đánh vào Sài Gòn thì lệnh tiến vào Tổng Nha cảnh sát, khi đánh vào rồi thì chúng tôi chỉ nổ súng sơ sơ thôi, một số đơn vị đi đầu nổ súng thì toàn bộ quan lính sài gòn mặc đồ trắng hết, tất cả vũ khí, trang bị, cái gì gọi là trang bị cho quân đội Sài Gòn đều đưa ra ngoài đường vứt hết. Là một người lính, đặc biệt là một thanh niên đã tham gia chiến đấu nằm rừng, lội suối và khi đánh vào Sài Gòn mà giải phóng hoàn toàn Sài Gòn rồi thì cảm thấy là rất mừng, rất phấn khởi. Tự dưng nước mắt nó tuôn trào, cảm thấy xúc động, thấy nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ đồng đội đã hy sinh và nhìn thấy cảnh Sài Gòn hoàn toàn giải phóng cho nên cảm xúc không thể tả được, ăn không muốn ăn, ngủ không muốn ngủ, cứ lâng lâng trong người”.
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử của dân tộc, đi vào lịch sử thế giới về một cuộc chiến chính nghĩa được thế giới ngưỡng mộ và khâm phục, một chiến thắng vĩ đại của một dân tộc có bề dày lịch sử chống giặc ngoại xâm. 42 năm trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết đồng lòng của đồng bào các dân tộc, đất nước ta đã phát triển mạnh mẽ. Chứng kiến sự đổi thay, phát triển của đất nước hôm nay, những cựu chiến binh cảm thấy tự hào về sự mất mát, hy sinh của họ được thế hệ trẻ ghi nhớ và phát huy truyền thống để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngọc Chí