(kontumtv.vn) – Cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động hướng đến Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019). Trong những ngày tháng lịch sử này, ký ức về thời chiến tranh gian khổ, ác liệt ùa về trong tâm trí những người lính từng tham gia trong Đoàn 559 xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Năm 1970, theo tiếng gọi của Tổ quốc, cựu chiến binh Nguyễn Duy La (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện và học lái xe, ông được biên chế vào Sư Đoàn 571 thuộc Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến trường miền Nam. Không nhớ hết đã vận chuyển bao nhiêu chuyến hàng, nhưng với ông những giây phút hiểm nguy đã khắc ghi trong tâm trí: “Tôi nhớ nhất đó là đêm 4/3/1971, bắt đầu đơn vị xuất phát thì tối đến phà Danh, nói chung qua khu vực Hòn Não rất ác liệt, sau đó đơn vị trú lại, ở lại đêm sau lại đi qua phà Long Đại thì trận đó là trận rất oanh liệt và đau thương, đơn vị gồm có 7 xe thì cháy 1 xe ở phà Long Đại. Lúc đó 100 km có thể đi 1 tháng, ngày nghỉ đêm đi, mà đi thì được 2 đến 3 tiếng đồng hồ, xe chạy khoảng độ 5 km/h, bụi mù. Lúc tôi đi thì chúng tôi phải đập bỏ cái đèn pha, lấy đèn rùa che ở dưới và bôi thêm mỡ vào”.

CCB Đoàn 559 kể chuyện tham gia chiến trường
CCB Đoàn 559 kể chuyện tham gia chiến trường

Năm 1959, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 559 với nhiệm vụ tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự để chi viện cho chiến trường miền Nam. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ hăng hái, anh dũng, kiên cường, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, đạn bom để mở tuyến đường ô tô, đường xăng dầu, đường dây thông tin vào Nam; san lấp hố bom; tháo dỡ bom mìn vương vãi; khôi phục và sửa chữa cầu, đường; vận chuyển hàng, vũ khí…

Để làm nên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại cho những chuyến xe qua, cho từng đoàn quân vào Nam chiến đấu, những người lính Đoàn 559 luôn đối mặt với sự hy sinh, gian khổ. Cựu TNXP Cao Thị Phú (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) nhớ lại: “Trong thời gian phục vụ 2 năm ở chiến trường Quảng Trị phải nói là một cuộc chiến rất vất vả đối với bản thân tôi, là người phụ nữ mới lớn lên, đều hy sinh hết, hy sinh tuổi thanh xuân luôn là cống hiến cho chiến trường. 3 lần tôi suýt chết, một lần tôi cõng thuốc vào cho bộ đội và một lần tôi cõng đạn là hai lần tôi đều bị thương ở sân bay Cam Lộ”.

“Ta thì quyết tâm mang hàng vào chiến trường, địch thì quyết tâm phá nát đường Trường Sơn, ngăn con đường ta tiếp tế. Chiến trận có thắng hay không là do công tác hậu cận, đạn dược. Cho nên cứ hình dung ta càng đi bao nhiêu thì địch càng phá bấy nhiêu và ta có khẩu hiệu là địch đánh ta cứ đi. Nhưng mà đường Trường Sơn như lòng bàn tay, nó không độc đạo như chúng ta nói, tinh thần của chiến sĩ trên đường Trường Sơn như bàn tay nó đánh đoạn này ta rẽ đoạn kia đi”. Cựu chiến binh Nguyễn Duy La (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) nói.

Trong suốt cuộc chiến tranh, trên con đường Trường Sơn huyền thoại, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển gần 455 triệu tấn vũ khí, lương thực, đạn dược và gần 58 triệu tấn xăng dầu chi viện cho miền Nam… góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

44 năm sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước đã đầu tư đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trở thành tuyến Quốc lộ Bắc – Nam hiện đại, phục vụ khát vọng vươn lên của dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Cựu TNXP Cao Thị Phú nói: “Đường Hồ Chí Minh hồi xưa huyền thoại là như thế. Bây giờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì mở mang ra cả nước, một thắng lợi rất lớn. Riêng tỉnh Kon Tum là một cái thuận lợi giao thông, giao lưu và tất cả mọi mặt kinh tế – xã hội đều phát triển rất tốt”.

Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng.

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn – Con đường huyền thoại, các thế hệ hôm nay mãi khắc ghi công lao của những người đi mở đường Trường Sơn và nỗ lực lực phấn đấu xây dựng đất nước ngày một phát triển, phồn thịnh để tri ân những người đã nằm xuống trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *