(kontumtv.vn) – 44 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những cựu chiến binh trực tiếp tham gia các trận đánh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn còn vẹn nguyên ký ức hạnh phúc, niềm tự hào và cả những mất mát, đau thương về một thời oanh liệt, hào hùng, làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975.

Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu, nhưng khi nhắc đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Dương (thôn Ya De, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc về thời khắc huy hoàng ngày 30/4 năm ấy. Ngay sau chiến thắng liên tiếp, tiêu diệt 2 chi khu quân sự của địch ở Dầu Tiếng, Chơn Thành, tháng 4/1975 Sư đoàn 9 – đơn vị ông công tác được lệnh hành quân, đánh chiếm mục tiêu, khống chế đường số 4, mở mũi tấn công từ hướng Tây Nam vào Sài Gòn, từ đó thọc sâu đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và cùng các đơn vị bạn đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Ông Dương nhớ lại: “Đơn vị tôi đánh vào ngã tư bà Quẹo, sau đánh vào ngã tư Bảy Hiền. Trong khi đánh vào ngã tư Bảy Hiền 2 máy bay bay thấp của địch thả bom làm hư một khẩu pháo và 1 chiếc xe tăng. Sau chúng tôi vẫn tiếp tục chạy nhanh xuống Hòa Hưng, chúng tôi rẽ vào Dinh  Độc lập. Địch dao động, đầu hàng, nó không bắn”.

Các CCB kể chuyện tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh
Các CCB kể chuyện tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

Lúc 01 giờ sáng ngày 30/4, ông cùng các đồng đội của Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 đã vào khu vực Bình Hưng Hòa và Bà Quẹo; đến 10 giờ 30 phút, đội hình Sư đoàn 9 nhanh chóng vượt qua ngã tư Bảy Hiền, riêng Trung đoàn 1 bộ binh của ông đánh thẳng vào Biệt khu Thủ đô, bắt sống toàn bộ Bộ Chỉ huy Biệt khu. Ông Dương kể: “Chúng tôi vào đến Hòa Hưng, dân ra ôm hôn, vỗ tay ầm ầm, dân lúc đó mừng lắm”.

Ông Nguyễn Đức Tài quê ở tỉnh Hải Dương vào lập nghiệp tại thôn 1, thị trấn Sa Thầy năm 2001. Ông kể, tháng 8/1972, sau khi kết thúc khóa huấn luyện, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 22, Sư đoàn 5. Để có được thắng lợi trong Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, nhiều đồng đội của ông đã không trở về. Trong đó trận đánh chiếm Long Khốt vẫn mãi trong ký ức của ông. Đó là vị trí trọng điểm do quân địch xây dựng thành yếu khu án ngữ đường tiến quân của ta về giải phóng đồng bằng. Nhiều trận tranh chấp quyết liệt giữa đơn vị ông và địch đã diễn ra. Ông chia sẻ: “Đối với tôi những kỷ niệm ở chiến trường với các đồng đội một thời vào sinh ra tử mãi mãi không quên. Nơi đây từng ngọn cỏ, lối đi đều thấm đẫm máu xương của đồng đội tôi. Người này ngã xuống, người khác xông lên, chúng tôi chiến đấu với tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đơn vị ông Nguyễn Đức Tài được giao nhiệm vụ giải phóng tỉnh Long An, đánh chia cắt lộ 4, không cho địch từ miền Tây về ứng cứu Sài Gòn. Đồng thời yểm trợ đắc lực cho các đơn vị khác tiến thẳng vào làm chủ Sài Gòn. Đối với ông và đồng đội đây là vinh dự lớn khi được góp phần cùng quân dân cả nước kết thúc chặng đường đánh Mỹ – Ngụỵ, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Ông Nguyễn Đức Tài xúc động: “Lúc giải phóng Sài Gòn rất phấn khởi. Đơn vị tôi là đơn vị pháo binh kéo qua Sài Gòn  dân rất phấn khởi, ra đường hoan hô, cờ hoa rợp hết cả đường”.

Tinh thần chiến đấu, sự hy sinh của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói riêng, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quật cường, quyết tâm sắt đá, quyết chiến, quyết thắng để chúng ta có được một đất nước hoà bình, độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.

 Giờ  đây khi đã ở cái tuổi xế chiều, dù vết thương chiến tranh vẫn còn hằn trên da thịt, nhưng những cựu chiến binh năm ấy luôn phát huy truyền thống cao đẹp của người lính cụ Hồ, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương Sa Thầy ngày càng phát triển.

                                      CTV Trang Nhung – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *