(kontumtv.vn) – Nhờ trồng hoa lan, đặc biệt là lan rừng quý hiếm, nhiều người dân ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã có nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng cà phê. Những giò lan rừng đã trở thành gia sản đối với nhiều người, khi nó có giá vài chục đến vài trăm triệu đồng.

“Giả hạc xuân Di Linh” là thương hiệu riêng của giới chơi lan rừng dành cho loài lan Giả hạc xuất xứ ở cao nguyên Di Linh. Điểm đặc biệt của loài hoa này là nở hoa khoe sắc vào mùa xuân, trong khi Giả hạc nơi khác thường nở vào mùa hè. Lan Giả hạc có hàng trăm loại khác nhau, nhưng quý nhất vẫn là loài lan đột biến về màu sắc cánh hoa. Anh Phạm Thế Quyền( thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) nói: “Hàng ngàn loại, hàng ngàn mặt hoa nên chỉ chọn những loại nào mình thích thôi để mình chơi vì mình không thể sưu tầm hết được. Còn giá trị kinh tế thì cây lan so với cây cà phê gấp vài chục lần”.

LAM GIAU NHO TRONG LAN RUNG DI LINH

 Trước đây, người dân Di Linh chơi lan rừng như một thú vui, đến khi phát hiện ở bản địa có một số loài lan quý hiếm, nhiều người đã sưu tầm và chuyển hướng kinh doanh lan rừng. Gọi là lan rừng nhưng hầu như những cánh rừng giờ đã không còn lan quý nữa, việc nhân giống đều được các nhà vườn thực hiện tại nhà bằng phương pháp thủ công hoặc trong phòng thí nghiệm. Đây cũng là giải pháp để bảo tồn những loại lan rừng quý hiếm của Di Linh hay một số vùng khác trước nguy cơ mai một. Anh Phạm Văn Tuấn, chủ vườn lan Minh Quang, thị trấn Di Linh cho biết: “Điểm mạnh của phương pháp này là hạn chế nguồn tài nguyên rừng, không phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Phương pháp này đạt được một số lượng lớn, chất lượng thương phẩm thì mặt hoa tuyển chọn từ bố mẹ nên các hệ sau có mặt hoa được người chơi ưa chuộng”.

Theo tính toán của giới chuyên kinh doanh hoa phong lan, với loại lan quý như Giả hạc hay giống phong lan rừng thường, người dân có thể thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ bán cây giống hoặc cây đã có hoa. Mức thu này gấp nhiều lần so với trồng cà phê, bởi mỗi sào trồng lan rừng có thể cho thu nhập bằng 10 ha cà phê/năm. Để phục vụ nhu cầu của thị trường, ở huyện Di Linh đã hình thành nhiều vườn lan có tiếng cung cấp từ cây giống đến những giò lan đã ra hoa. Qua đó góp phần bảo tồn và phát triển giống lan rừng Di Linh đang có nguy cơ biến mất ở những cánh rừng địa phương.

Theo TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *