(kontumtv.vn) – Kon Tum là vùng đất tiềm năng về dược liệu. Tuy nhiên, việc khai thác thế mạnh này dường như đã bị bỏ quên khá lâu. Ở một số địa phương, người dân tận thu dược liệu bán tươi, chưa qua sơ chế nên giá trị sản phẩm chưa cao. Nhận thấy những khoảng trống trong chế biến dược liệu trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc, đẩy mạnh nghiên cứu đầu tư, bào chế dược liệu thành các sản phẩm đa dạng, biến khó khăn thành cơ hội làm giàu.

Kon Tum rất phong phú về dược liệu. Nguồn dược liệu tươi do người dân trồng hoặc khai thác từ rừng rồi bán ra thị trường, trong đó các loại như hồng đẳng sâm, đương quy, sơn tra…Nhiều nơi, dược liệu được bày bán lẫn lộn trong hàng hóa tại các quày hàng tạp hóa, đổ thành đống bán bên vệ đường. Vào mùa thu hoạch dược liệu, các chủ đầu mối thu mua nhiều mang ra phơi khô, đóng bì hoặc ngâm rượu để cung cấp cho người tiêu dùng. Với cách chế biến thô sơ đó, từ một vị thuốc quý, giá cây đương quy lên xuống thất thường, hiện khoảng 25.000 đồng/kg; hồng đẳng sâm dao động từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg tươi và 700.000 đồng/kg khô, thấp hơn giá sâm Hàn Quốc rất nhiều lần. Chị Triệu Thị Linh, đại diện Công ty Cổ phần Ứng dụng công nghệ cao Hoàng Linh nhận định: “Sâm Ngọc Linh là quốc bảo hay như đẳng sâm nó chưa có được khách hàng biết đến nhiều, người tiêu dùng biết đến nhiều trong khi đó qua kiểm nghiệm sâm Hàn Quốc chỉ số saponin chỉ có 3.2%, nhưng đẳng sâm của chúng ta tới 6.9%, rất cao, tốt hơn rất nhiều nhưng khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến hiện nay mình đang còn rất khó khăn. Việc chế biến sản phẩm sau thu hoạch, đưa những mặt hàng đa dạng đến người tiêu dùng với một sản phẩm tốt như thế này là điều chúng tôi ấp ủ rất lâu”.

Thu mua dược liệu của người dân địa phương
Thu mua dược liệu của người dân địa phương

Năm 2017, Hội LHPN tỉnh Kon Tum thành lập Tổ Liên kết phụ nữ DTTS trồng hồng đẳng sâm tại hai xã Mường Hoong, Ngọc Linh của huyện Đăk Glei. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình thu hút gần 60 hội viên tham gia trồng 7 ha hồng đẳng sâm. Hội LHPN tỉnh Kon Tum cử đại diện theo sát mô hình từ khi khởi động đến nay, và tự tìm đầu ra cho dược liệu hồng đẳng sâm. Trong suốt quá trình tìm tòi, tiếp cận đối tác, Hội LHPN tỉnh nhận thấy việc bán hồng đẳng sâm chưa qua chế biến đạt giá trị không cao, các chị quyết tâm phối hợp với một số doanh nghiệp thực hiện chuỗi các sản phẩm từ hồng đẳng sâm như xà bông tắm, hồng đẳng sâm ngâm mật ong, mứt hồng đẳng sâm…Để có đầu mối tiêu thụ sản phẩm ổn định, Công ty Cổ phần Ứng dụng công nghệ cao Hoàng Linh chuyên bào chế và kinh doanh các mặt hàng dược liệu đã ra đời. Chị Triệu Thị Linh, đại diện công ty này cho biết thêm: “Đối với Kon Tum thì sâm Ngọc Linh và đẳng sâm là sản phẩm đặc thù của địa phương mà không thể nơi nào có được. Xuất phát từ đấy Hội LHPN tỉnh đã có chức năng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, phát triển dược liệu cũng là 1 đường đi đúng hướng và hiện nay Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy cũng đang có chỉ đạo sâu sát. Trên cơ sở đó, với vai trò là một cán bộ Hội LHPN tỉnh, tôi thấy việc giúp bà con kết nối với nhau, giúp bà con tìm được đầu ra cho sản phẩm rất quan trọng, vì bà con ở vùng núi xa xôi như vậy thì cần sự kết nối”.

Anh Bền Chí Thịnh đến với việc kinh doanh dược liệu theo nghề của gia đình. Sinh ra và lớn lên trong gia đình kinh doanh dược liệu tại thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy. Hàng ngày Bền Chí Thịnh nhìn hàng đống dược liệu nhập cho các thương lái nước ngoài đã khiến anh trăn trở và đặt câu hỏi: Kon Tum là vùng dược liệu, người dân trồng và khai thác dược liệu với số lượng lớn nhưng thu nhập không cao. Nghĩ là làm, sau khi lấy bằng cử nhân Quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, chàng trai người Xê Đăng Bền Chí Thịnh đã quyết tâm xây dựng thương hiệu dược liệu với tên là KORA. Anh Thịnh chia sẻ về quá trình bén duyên với dược liệu: “Cách đây 3 năm, khi đó bố mẹ mình kinh doanh dược liệu thổ phục linh bán về ngoài bắc, khi đấy mình cũng thái lát ra uống rất ngon, bố mẹ mình đau nhức xương khớp uống nước này vào thì hết bệnh liền. Mình thấy dược liệu của mình rất tốt, tại sao mình cứ bán với giá rẻ, từ đó mình nảy thương hiệu dược liệu, mình lấy tên là KORA, viết tắt của Kon Rẫy và phát triển ra nhiều mặt hàng”.

Những ngày đầu khởi nghiệp, chàng trai chưa đầy 30 tuổi Bền Chí Thịnh gặp khó khăn đủ bề. Khó khăn về vốn, về thị trường tiêu thụ, chưa có kĩ thuật trồng dược liệu, chưa hiểu nhu cầu khách hàng… Quãng thời gian khởi nghiệp này, Bền Chí Thịnh gặp không ít thất bại. Thất bại từ bao bì đựng sản phẩm anh thiết kế không phù hợp, thu mua dược liệu tươi không biết cách báo quản bị nấm mốc; thương hiệu KORA quá mới mẻ,  người tiêu dùng chưa biết rộng rãi. Song, với quyết tâm kiên trì theo đuổi, anh trực tiếp tiếp thị, bán hàng qua các trang xã hội, nhờ đó đến nay thương hiệu KORA đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Anh Bền Chí Thịnh nói về những khó khăn ngày đầu thành lập Công ty Cổ phần Kora Gruop:Mình bắt đầu xây dựng thương hiệu KORA, sản xuất từ các dược liệu truyền thống, khó khăn rất lớn, người tiêu dùng chưa có thói quen dùng, khi ra thị trường buôn bán, kết nối rất khó khăn, nhưng sau này họ dần dần nhận ra điểm mạnh của những dược liệu rừng và Đông y, họ nhận ra tác dụng phụ của Tây y và các mặt hàng dược liệu và mình đi lên từ đó”.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, anh Bền Chí Thịnh tiếp tục mở rộng các mặt hàng kinh doanh. Đến nay cơ sở của anh chế biến, sản xuất 40 dược liệu rừng nhãn hiệu KORA, gồm nấm hồng chi, nấm lim xanh, cốt toái bổ, thổ phục linh, sơn tra, chuối hột rừng…Sau 3 năm tìm tòi, mày mò, mới đây nhất Bền Chí Thịnh đầu tư hơn 100 triệu đồng mua sắm máy móc thiết bị sản xuất nước uống đóng chai hồng đẳng sâm và tinh chất hồng đẳng sâm. Với giá bán 35.000 đồng/chai nước giải khát và 500.000 đồng cho một chai tinh chất hồng đẳng sâm, các sản phẩm của anh nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Hiện sản phẩm dược liệu của anh được hơn 30 đại lý trong và ngoài tỉnh như Gia Lai, Đăk Lắk, TP. HCM tiêu thụ.

Với những nỗ lực đó, Bền Chí Thịnh đã được nhận nhiều giấy khen của huyện Kon Rẫy, Tỉnh Đoàn Kon Tum và đặc biệt hơn anh còn được nhận giải Ba cho dự án “hộ kinh doanh KORA” trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khới nghiệp”.

Việc phát triển ngành nghề dược liệu với mô hình nhỏ và vừa của các tổ chức, cá nhân thời gian qua trên địa bàn tỉnh góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tại các địa phương. Để khuyến khích việc trồng và tiêu thụ các loại dược liệu, ngày 2/3/2018 Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị Quyết 08 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đặt ra mục tiêu quản lý, khai thác tiềm năng và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng có điều kiện phát triển dược liệu và tăng dần tỷ trọng đóng góp của ngành dược liệu trong tổng sản phẩm của tỉnh; phấn đầu đến năm 2030  Kon Tum sẽ  trở thành một trong những vùng dược liệu trọng điểm quốc gia. Đây là cơ sở để người dân, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu bền vững gắn với các giải pháp đầu ra cho dược liệu, nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình, địa phương, góp phần xóa nghèo cho bà con vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

Linh Thủy – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *