(kontumtv.vn) – Như chúng tôi đã đưa tin, vụ mùa năm 2016, diện tích lúa BC15 và TBR225 canh tác tại phường Nguyễn Trãi và xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) phát hiện nhiễm bệnh nặng, gây thiệt haị đối với người nông dân. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng nay là do đâu?

Theo thống kê, vụ mùa năm nay phường Nguyễn Trãi có khoảng 6,8 ha diện tích lúa TBR225 và 3 sào lúa BC15; tại xã Đoàn Kết có gần 5 ha diện tích lúa BC 15 và trên 5 sào TBR225. Trên diện tích này, đều có phát hiện bệnh đạo ôn cổ bông và đạo ôn lá gây lép hạt, khô bông, tùy theo khu vực bị nhiễm từ 20 – 50%. Bệnh xuất hiện vào thời kì bông đóng hạt nên không có biện pháp điều trị hữu hiệu, khiến năng suất giảm mạnh, thiệt hại lớn về kinh tế cho người nông dân. Ông Nguyễn Văn Nam (thôn 5, xã Đoàn Kết) nói: “Vụ xuân tôi làm 1 sào cắt được 20,5 tạ, vụ mùa này tôi làm 4 sào nó bị đạo ôn khô vằn cổ gié, trắng hết, nếu thu hoạch thì thất thoát hết, 1 sào được 4 – 5 bao chứ không có hơn nữa. Toàn bộ cánh đồng đây đều bị hết, không ai mà không bị cắn gié. Thấy vụ xuân làm đạt, lại ngon cơm nữa, nên bà con ai cũng làm nhiều, cuối cùng thất bại, thất thu”.

Mất mùa do sử dụng giống lúa
Mất mùa do sử dụng giống lúa BC15 và TBR225

Giống BC15 mới được đưa vào khuyến cáo trồng đại trà trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ 2015 đến nay, giống TBR225 trồng trình diễn vào vụ đông xuân vừa qua. Đây là hai giống lúa còn khá mới đối với người nông dân Kon Tum. Trước thực trạng hầu như tất cả diện tích lúa BC15 và TBR225 đều xuất hiện dịch bệnh nghiêm trọng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã khảo sát, tìm hiểu, khẳng định phát hiện bệnh đạo ôn nặng và đến nay vẫn không đưa ra được biện pháp ứng cứu. Ông Lê Văn Từ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết: “Nguyên nhân bị bệnh ở đây chúng tôi khẳng định là bệnh đạo ôn gây nên. Có 3 nguyên nhân cơ bản để đạo ôn phát sinh, phát triển nặng. Thứ nhất là do thời tiết mưa nhiều, cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, tạo điều kiện nấm phát triển mạnh. Thứ hai bà con gieo cấy mật độ quá dày. Thứ ba tình hình giống vốn mẫn cảm với đạo ôn so với giống khác. Thứ tư bà con thiếu quan tâm chăm sóc trong thời kì lúa trổ bông”.

Cùng với đó, đại diện Công ty Giống cây trồng Thái Bình – đơn vị cung ứng giống lúa BC15 và TBR225 cho người dân tại địa phương cũng khẳng định, xuất hiện bệnh là do đặc tính giống vốn mẫn cảm với bệnh hại, nhưng lại không được sự quan tâm đúng mức của người dân, dẫn đến bệnh tràn lan. Mặt khác, giống lúa BC15 do nhân dân gieo trồng từ hạt lúa thịt của vụ trước, điều này làm cho chất lượng lúa thấp, khả năng kháng bệnh giảm. Ông Đỗ Văn Quý, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Giống cây trồng Thái Bình nói: “Giống BC15 tôi đánh giá một số ruộng bị bệnh đạo ôn cổ bông gây hại, nguyên nhân khách quan do khi trổ trong thời kì đông sữa, gặp trận bão số 2 và số 3 ảnh hưởng, mưa kéo dài, trời âm u, bệnh đaọ ôn phát triển mạnh. Nguyên nhân chủ quan là do người nông dân sử dụng lại giống cũ của vụ trước, mật độ sạ rất cao, chúng tôi khuyến cáo 10 kg/sào, nhưng nông dân sạ đến 18 – 19 kg /sào”.

Đại diện phía Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho biết, vụ mùa năm nay, Công ty chỉ bán 500 kg giống lúa BC15 và 130 kg giống TBR225 cho tỉnh Kon Tum. Với số lượng giống này chỉ gieo trồng được khoảng hơn 6 ha. Trong khi đó ở phường Nguyễn Trãi và xã Đoàn Kết có gần 13 ha gieo trồng 2 giống lúa này.

Trước những mất mát của người nông dân, đại diện cơ quan quản lí cũng như đơn vị liên quan đã đưa ra những lý giải riêng. Tuy nhiên, nguyên nhân do thời tiết thất thường hoặc do giống lúa có đặc tính mẫn cảm chỉ gây thiệt hại cho 2 giống lúa này thôi sao?

Hà My – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *