(kontumtv.vn) – Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định nội dung này trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 21/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) sửa đổi. Nhìn chung các ý kiến đồng tình cao với dự thảo Luật cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Mặt trận không giám sát Đảng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc MTTQVN góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân đối với hoạt động của Đảng.

Tuy nhiên, cần có thời gian để kiểm nghiệm thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, tổng kết việc thực hiện sau đó mới thể chế hóa thành pháp luật. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định các nội dung này trong Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý

Bày tỏ quan điểm đồng tình và tán thành cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, ĐB Trần Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ) cho biết, qua tiếp xúc cử tri cũng như thảo luận tại địa phương, nhiều ý kiến thấy việc không quy định Mặt trận giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng là hợp lý.

Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt thì cho rằng giám sát của Mặt trận trong thời gian qua đã có nhiều kết quả. Với điều kiện hiện nay thì Mặt trận cần thực hiện tốt quy chế giám sát phản biện xã hội của Bộ chính trị. Do vậy chưa nên quy định Mặt trận giám sát Đảng, đảng viên. Làm sao đổi mới để sau giám sát được thực thi mới là điều quan trọng.

Phải coi trọng ý kiến phản biện của Mặt trận

Dự thảo Luật quy định đối tượng phản biện xã hội là dự thảo chính sách, pháp luật của Nhà nước, còn đối tượng của giám sát là chính sách, pháp luật hiện hành. Như vậy, đối tượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã bao quát hết chính sách, pháp luật của Nhà nước đang ở trong giai đoạn dự thảo, cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, quy định trên là phù hợp với vị trí, vai trò cũng như thực tiễn hoạt động của Mặt trận trong thời gian qua, bảo đảm mục đích của hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

ĐB Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị)

Theo ĐB Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị), khi thông qua các vấn đề quan trọng của đất nước thì các cơ quan chức năng bắt buộc phải có ý kiến phản biện của Mặt trận.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thông qua các dự án phải coi trọng ý kiến phản biện của Mặt trận chứ không phải có cũng được mà không có cũng được, phải tôn trọng ý kiến phản biện của Mặt trận.

“Gần như chẳng có dự án nào không liên quan đến lợi ích của nhân dân. Do đó nên sửa theo hướng, phản biện phải là quy định bắt buộc trong quy trình thông qua các dự án để vừa gắn trách nhiệm của Mặt trận, Nhà nước coi trọng phản biện nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân”, đại biểu nêu ý kiến.

Còn theo ĐB Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận), cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc ý kiến phản biện của Mặt trận khi xây dựng văn bản pháp luật. Cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý và trả lời sau ý kiến phản biện của Mặt trận.

Nên luật hóa mô hình Ban công tác Mặt trận

Theo ông Phan Trung Lý, vấn đề Ban công tác Mặt trận đang có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, không nên luật hoá mô hình Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng, vì đây không phải là một cấp trong hệ thống tổ chức của Mặt trận mà chỉ là phương thức tổ chức trong nội bộ Mặt trận ở cơ sở.

Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định về Ban công tác Mặt trận trong Luật và cho rằng tuy không phải là một cấp trong hệ thống tổ chức của MTTQVN nhưng hiện nay đang được tổ chức rộng khắp và hoạt động ở các địa phương phát huy hiệu quả.

Việc luật hoá mô hình này nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới phương thức công tác của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở, tới khu dân cư.

“Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều ghi nhận vai trò cũng như những đóng góp quan trọng của Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng trong thời gian qua. Ban công tác Mặt trận là cánh tay nối dài, là phương thức để triển khai hoạt động của Mặt trận ở cấp xã hiệu quả hơn. Do đó, cần được ghi nhận trong Luật để tạo cơ sở pháp lý cho Ban này hoạt động”-ông Lý cho biết

Bày tỏ quan điểm đồng tình với quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ĐB Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng tuy Ban công tác Mặt trận không quy định trong luật nhưng trong thực tế đã được quy định trong Luật hòa giải ở cơ sở, Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã quy định về vấn đề này.

“Ban Công tác Mặt trận đã và tiếp tục được quy định trong một số luật khác và văn bản dưới luật. Vậy tại sao Luật này lại không quy định?”, đại biểu đặt vấn đề và đề nghị phải quy định trong Luật này.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) phân tích thêm: Ban công tác Mặt trận đã được hình thành ở ở thôn, ấp, bản, làng. Là hình thức huy động sức mạnh sáng kiến của nhân dân, hiện nhiều Ban Đảng ở khu dân cư cũng quy định về Ban công tác Mặt trận. Vì thế, cần ghi nhận Ban này trong Luật để tạo cơ sở pháp lý trong hoạt động./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *