Các tỉnh miền Trung vừa trải qua trận lũ lớn, quét sạch tài sản, vườn tược vật nuôi lẫn giống sản xuất của người dân.

Lũ dữ vừa qua đã gây tang thương nhiều làng quê miền Trung, làm 31 người thiệt mạng, 9 người mất tích vẫn chưa tìm thấy. Lũ qua đi-hoảng loạn còn in sâu trên gương mặt của người dân vùng lũ. Người dân miền Trung đặt câu hỏi “Vì sao Mưa nhỏ, lũ lại to và thiệt hại thì quá lớn”?

Chỉ sau một đêm 15/11, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã gây mưa diện rộng. Trong lúc đó, các thủy điện đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn đã khiến hàng trăm ngàn nhà dân ngập chìm trong biển nước, 31 người chết, 9 người mất tích, gần 100 ngàn nhà ngập; các địa phương đã sơ tán 18 ngàn hộ dân với 63 ngàn người ra khỏi vùng nguy hiểm. Thiệt hại nặng nhất là 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi . Người dân miền Trung vừa thoát khỏi siêu bão lại hứng chịu 1 cơn lũ to hơn so với cơn lũ lịch sử năm 1999.

Hàng ngàn hộ gia đình đã trắng tay do nhà cửa, vật dụng, gia súc gia cầm bị cuốn trôi.

 

Bà nguyễn Thị Sen ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, vẫn chưa hết bàng hoàng: “Nước lớn, không kịp trở tay. Nước năm nay lớn hơn năm 1999 nhiều lắm. Xem TV miết đâu dám ngủ. Lúc 12h mở cửa ra, chưa có gì. Khoảng 1h thì có người la lối, mở cửa ra, nước vẫn tít xa… Rồi 15-20 phút sau nước đã ào vô nhà rồi. Có người trở tay không kịp”.

Khắp các vùng lũ từ đồng bằng đến vùng cao ở các tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên, thậm chí là thành phố Đà Nẵng, nhiều người cho rằng nước lũ lên nhanh chưa từng thấy. Ông Nguyễn Văn Quân, ở xã Vĩnh Quang huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định cho biết: từ trước đến nay nơi đây chưa từng bị ngập; nước như từ trên trời đổ ập xuống. Chỉ sau 1 đêm, lũ tràn về đã quét sạch tài sản của hàng ngàn hộ dân. Nhiều người đã phải… bỏ của chạy thoát thân.

 

Lũ làm đường bị đứt ở An Nhơn  (Ảnh: Võ Thái Bình)

Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định là nơi bị nước lũ càn quét tơi tả. Hơn 20 năm nay, mặc dù nhiều lần mưa, bão lớn nhưng chưa bao giờ vùng này bị ngập lụt nặng. Nhiều công trình ở vị trí cao, mới xây dựng cũng bị ngập sâu trong nước lũ. Ông Trương Đình Hy, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn cho biết nước chảy cuồn cuộn, rất mạnh, nên địa phương bị thiệt hại nặng nề. Nước lũ về quá nhanh làm cho việc ứng cứu và triển khai các phương án gặp rất nhiều khó khăn. “Bình thường, nếu lượng mưa 1 đêm và nửa ngày thì cũng chưa đến đỉnh lũ như năm nay. Xả lũ thì các cơ quan có trách nhiệm phải thông báo thật cụ thể và thông báo sớm để nhân dân đối phó”.

 

Sau lũ, người dân và chính quyền địa phương bất bình, kể tội mấy ông thủy điện. bà con nói rằng” thủ phạm chính của tai họa này là 15 thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt xả lũ! Thế nhưng, có báo cáo khẳng định, không có nhiều thủy điện xả lũ và mức xả không lớn càng làm cho người dân bất bình.

Phố cổ Hội An, nhiều nơi nước ngập xấp xỉ 3m
Thực tế từ các địa phương cho thấy bản báo cáo này khác xa với những diễn biến trong mưa lũ. Các địa phương cho biết, thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam, Sông Ba Hạ ở tỉnh Phú Yên lưu lượng xả lên đến 2.400m3/s; còn các thủy điện ở Tây Nguyên hầu hết từ 2.000m3/s đến 2.400m3/s. Mưa cộng với nhiều thủy điện xả lũ đồng loạt đã nhấn chìm nhà cửa, vườn tược, gây bao cảnh tang thương mất mát cho người dân nghèo miền Trung.

Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định bức xúc: Người dân cho rằng mưa thế này không quá to. Nhưng năm nay, hễ có mưa là lũ về rất nhanh và tàn phá rất lớn. Phải hơn 10 năm nữa, người dân Bình Định mới có thể gượng dậy nổi.

 

“Bây giờ ở miền Trung mưa là có lũ lớn. Vì sao chuyện đó xảy ra? Ông thì đổ cho thủy điện, ông đổ cho thủy lợi, ông thì đổ mưa to, ông  đổ đủ thứ, cuối cùng không biết chỗ nào đổ thì nói là do biến đổi khí hậu. Bây giờ cái này phải có đánh giá toàn diện về lũ ở miền Trung. Nếu cứ để thế này, cuộc sống của người miền Trung ngàn đời nữa còn cơ cực, không cách chi mà ngóc đầu lên nổi. Trận lũ xuống xóa sạch hết”- ông Dũng bức xúc.

Có người khẳng định, cơn lũ gây mưa không nhiều so với lũ lịch sử năm 1999. Lượng mưa phổ biến trong trận lũ vừa qua từ 200mm đến 400mm, thấp hơn nhiều so với mức từ 600mm- đến 900mm thậm chí là trên 2000mm hồi tháng 11/1999.

Vậy, nước ở đâu mà lũ lớn kinh hoàng đến thế! Bà con miền trung nói thằng, mưa nhỏ, lũ to, thiệt hại nặng có một phần thủy điện gây ra.

Trường tiểu học Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn ngổn ngang sau lũ.

 

Cơn lũ nhanh, bất ngờ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nhà cửa có thể dựng lại dù là tạm bợ nhưng hàng vạn tấn giống lúa, rau màu, cây trồng con vật nuôi đã cuốn theo dòng nước bạc. Mất mát, tang thương này xin đừng đổ hết cho thiên tai! Nhân tai mới là điều đáng sợ./.

Theo : PV/VOV – Miền Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *