(kontumtv.vn) – Để giúp người dân, nhất là các bạn trẻ mới khởi nghiệp giải quyết đầu ra cho sản phẩm, trong thời gian gần đây, một số doanh nhân ở tỉnh Đắk Lắk đã hình thành chuỗi cửa hàng làm điểm kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn.

Đối với nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp, vấn đề quan trọng để phát triển bền vững, trong chiến lược phát triển thì khâu tiêu thụ sản phẩm là khâu quan trọng, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Anh Trần Thế Châu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk nói: “Mình sẽ làm mô hình liên hợp của tất cả HTX, cũng có những cửa hàng đang trưng bày các sản phẩm của tất cả HTX lại và lo đầu ra cho họ”.

Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn

Nhằm giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, năm 2017 chị Phạm Hồng Mong (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã mở chuỗi cửa hàng Quà Tây Nguyên để trưng bày, giới thiệu các mặt hàng nông sản đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, như cà phê, mac ca, ca cao, mật ong, phấn hoa, tinh bột nghệ, ngũ cốc, thảo dược đến du khách trong và tỉnh. Chị Mong cho biết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn của người dân ngày càng cao, trong khi sản phẩm do người dân sản xuất đạt tiêu chuẩn Vietgap lại chưa tìm được đầu ra ổn định trên thị trường. Vì vậy, việc hình thành chuỗi cửa hàng này là xây dựng điểm kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, nhất là các sản phẩm của các bạn trẻ mới khởi nghiệp. Chị Phạm Hồng Mong chia sẻ: “Mình xây dựng chuỗi 12 hệ thống cửa hàng và sắp tới sẽ phát triển rộng hơn nữa, không chỉ 12 mà trên toàn quốc, nếu được thì còn mở rộng ra thị trường thế giới để làm đầu ra bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Còn đối với nhiều sản phẩm khởi nghiệp của các bạn trẻ bây giờ, mình cũng làm đầu ra bao tiêu sản phẩm cho các bạn luôn”.

Một số bạn trẻ ở TP. Buôn Ma Thuột khởi nghiệp bằng các cửa hàng trưng bày các sản phẩm nông sản được các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất đạt chuẩn Vietgap, mục tiêu không chỉ giúp bà con nông dân và các bạn trẻ mới khởi nghiệp tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản mà còn giới thiệu các mặt hàng đặc sản cho du khách thập phương. Anh Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Nông trại Ede, tỉnh Đắk Lắk nói: “Chúng tôi mở cửa hàng nhằm quảng bá du lịch hiện đại kết hợp với truyền thống bản xứ của tỉnh nhà, đó là các sản phẩm nông sản sạch do người bản địa làm ra và đảm bảo các tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam cũng như hướng tới tiêu chuẩn toàn cầu”.

Với việc ngày càng có nhiều cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đi vào hoạt động, đã góp phần đưa sản phẩm của nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng, tạo kênh tiêu thụ ổn định, tạo động lực cho nông dân tăng cường sản xuất, nâng cao thu nhập.

Trong bối cảnh thị trường hàng hoá ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều bà con nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp mới khởi nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Dù mới phát triển ở quy mô nhỏ, nhưng những hiệu quả bước đầu của các chuỗi cửa hàng kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm hơn về khâu tiêu thụ sản phẩm.

Trần Cường – Lâm Thành

Đài PT-TH Đắk Lắk

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *