(kontumtv.vn) – Trồng cây ăn quả đang là hướng đi được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai lựa chọn. Song để chuyển đổi cây trồng hiệu quả, việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản gắn với tìm kiếm thị trường chính là yếu tố quan trọng. Mạnh dạn chuyển sang trồng chuối với diện tích lớn để xuất khẩu, anh Đào Tiến Tình (xã Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) là một trong những hộ tiên phong ở địa phương tìm hướng chuyển đổi mới gắn với việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Vốn sở hữu 20 ha hồ tiêu, thời điểm tiêu bị nhiễm bệnh, giảm năng suất, anh Đào Tiến Tình đã quyết định chuyển một nửa diện tích sang trồng chuối tiêu hồng. Trước khi bắt tay đầu tư trồng chuối với quy mô lớn, anh đã dành thời gian đi các nơi học tập kinh nghiệm, tìm kiếm đầu ra. Trồng chuối có ưu điểm nhanh thu hoạch, tuy nhiên theo anh Tình phải đầu tư lớn, kỹ thuật cao, cách chăm sóc, quản lý cũng rất khắt khe thì mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Để có những nải chuối ngon, đẹp, đủ điều kiện xuất khẩu như thế này đòi hỏi phải chăm sóc rất công phu, tuân thủ nhiều yếu tố từ khâu giống, tưới nước, bón phân, thu hoạch và đóng gói. Anh Tình nói; “Mình phải tìm hiểu, tham khảo một số anh em bạn bè, các nhà khoa học mới dám làm. Đầu tư thật bài bản khoảng 300 triệu/ha, nếu đầu tư cỡ 300 triệu thì thu được 500 triệu. Nếu mình quản lý không tốt thì sản phẩm dễ bị đốm, màu không đẹp, mẫu mã không tốt thì những nhà nhập khẩu người ta sẽ loại. Yêu cầu về quả chuối phải xanh đẹp, không có đốm, không thâm. Từ khi bắt đầu trổ bông đến lúc thu hoạch phải quản lý thật kỹ, sát sao, bắt đầu ra bông phải chỉnh sửa quả ngay từ lúc mới ra bông, khi ra bông hoàn thiện thì phải bao trùm toàn bộ buồng và kiểm tra dịch bệnh”.

Vườn chuối của anh Đào Tiến Tình
Vườn chuối của anh Đào Tiến Tình

10 ha chuối của gia đình anh Tình đã bước vào vụ thu hoạch được 3 tháng nay, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động địa phương. Vụ  này anh dự kiến thu được khoảng 400 tấn, giá bán 10.000 đồng/kg. Trồng chuối xuất khẩu có kỳ công hơn so với trồng thông thường, nhờ đầu tư bài bản, chuối đảm bảo chất lượng nên anh đã kết nối tìm được thị trường xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.

Anh Đào Tiến Tình cho biết: “Phải có chiến lược, những bước đi đột phá mới có thể tiêu thụ được. Nếu không có đầu ra ổn định thì không dám làm. Giờ mình trực tiếp xuất khẩu đi Trung Quốc. Mình làm được một thời gian có kinh nghiệm, có kỹ thuật thì bây giờ mình tìm đối tác nước ngoài xuất khẩu trực tiếp thì giá thành, lợi nhuận cao hơn”.

 “Anh Đào Tiến Tình là 1 trong những người tiên phong tìm được đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại chuối cân với giá 10.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm rất cao so với những loại cây trồng khác. Để có vườn cây như thế đòi hỏi kỹ thuật, nguồn vốn tương đối lớn. Chính quyền địa phương lấy mô hình làm mô hình điểm để năm tới sẽ hội thảo cho một số bà con nông dân  học tập mô hình của anh Tình để phát triển kinh tế đạt kết quả cao nhất”. Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Kông Htok, huyện Chư Sê nói.

Hiện nhiều nông dân trên địa bàn huyện huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai vẫn đang trồng chuối theo cách truyền thống, chưa thực sự quan tâm đầu tư kỹ thuật chăm sóc theo hướng bền vững để có sức cạnh tranh trên thị trường. Nhanh nhạy tìm hướng đi mới, mô hình trồng chuối tiêu hồng của gia đình anh Đào Tiến Tình bước đầu đã mang lại kết quả rất khả quan, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và đầu ra cho sản phẩm.

                                                                            Kim Châu – R’Piên

Đài PT-TH Gia Lai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *