(kontumtv.vn) – Những cơn mưa đầu mùa đã đến, mùa làm nương rẫy của người dân Kon Tum mà chủ yếu là bà con DTTS cũng bắt đầu, nên tất cả nhân lực trong gia đình đều được huy động. Ngay cả các các em trong độ tuổi đến trường cũng được cha mẹ đưa lên nương. Giống như nhiều năm học khác, vào giai đoạn này, các thầy cô tại nhiều trường học trên địa bàn cũng bước vào một mùa mới: “Mùa vận động học sinh ra lớp”.

Sau Tết Nguyên đán 2019, tỉ lệ học sinh nghỉ học tại Trường THCS Đăk La, huyện Đăk Hà tăng dần. Và vào những ngày thu hoạch nông sản, tỉ lệ học sinh chuyên cần ở trường chỉ đạt khoảng 65%. Những ngày cao điểm, tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều, cá biệt, có lớp chỉ 1/3 học sinh theo học đến những tiết cuối cùng của buổi học. Ông Hồ Trọng Biền, Hiệu trưởng Trường THCS xã Đăk La, huyện Đăk Hà nói: “Về kinh tế gia đình của học sinh ở cụm thôn 9, phần lớn người DTTS khó khăn, cho nên dẫn tới việc chăm lo đến đời sống con em còn nhiều hạn chế. Con em đi học trường chúng tôi có tìm hiểu vì sao học sinh trốn học thì học sinh trả lời, học sinh đói quá, học xong tiết 1 về nhà ăn cơm, nhưng cuối cùng ăn xong không muốn ra nữa. Học sinh thường xuyên trốn học, bỏ học nên việc tiếp thu kiến thức có hạn chế, không liền mạch logic kiến thức nên thường xuyên trốn học, bỏ học vì vô cũng không hiểu gì hết”.

Nhiều học sinh nghỉ học vào ngày mùa
Nhiều học sinh nghỉ học vào ngày mùa

Giống như Trường THCS xã Đăk La, giáo viên Trường THCS Đăk Rơ Ông cũng trong cảnh chật vật duy trì tỉ lệ học sinh ra lớp. Nhiều giải pháp đã được nhà trường đưa ra như phân công giáo viên phụ trách làng, phối hợp với chính quyền địa phương làm công tác vận động học sinh ra lớp, tuy nhiên tỉ lệ đi học chuyên cần của các em vẫn không cao. Đặc biệt vào những ngày mùa, chỉ có khoảng 50% học sinh đến trường. Ông Lâm Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông cho biết: “Trường đạt chuẩn quốc gia rồi, có 3 trường, trong đó 2 trường đạt chuẩn quốc gia, khó khăn nhất là trường cấp 2 có nguy cơ con em bỏ học theo thời vụ, chuyên cần chỉ đạt được 60 đến 70%, đây là con em đến tuổi trưởng thành lao động trong gia đình nên trong thời vụ gặt lúa, trồng mì là con em sẽ bỏ học trong thời gian 1,2 ngày để giúp cho gia đình”.

Tình trạng học sinh nghỉ học nhiều thường rơi vào các khối lớp cuối cấp THCS. Tỉ lệ học sinh chuyên cần không đảm bảo, điều này đồng nghĩa với việc không thể xét tốt nghiệp cho các em. Và hiển nhiên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng đào tạo của địa phương. Và để hoàn thành kế hoạch, ngoài việc đảm bảo công tác chuyên môn, các thầy cô còn phải đến từng nhà vận động học sinh ra lớp hết sức vất vả. Ông Trần Minh Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Rơ Ông nói: “Chúng tôi có tham mưu chính quyền địa phương cũng như tham gia đi vận động, tuy nhiên hiệu quả chưa cao vì đối với giáo viên ngoài thực hiện công tác chuyên môn, soạn giảng trên lớp ra thì họ còn gia đình nữa. Để đạt được kết quả này chúng ta cần nhà trường gia đình và xã hội, nhưng bây giờ việc dạy cũng đưa vào giáo viên, chất lượng khoán lên đầu giáo viên, bây giờ công tác huy động, duy trì sĩ số cũng là giáo viên”.

“Về phía nhà trường cũng đã họp phân công nhiệm vụ của từng giáo viên để phân công cụ thể cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tranh thủ buổi sáng để đi vào vận động, sáng nào cũng vào vận động học sinh ra lớp, nhưng chất lượng không cao. Lý do là vận động xong học sinh cũng tránh, cũng trốn, cũng khó”. Ông Hồ Trọng Biền, Hiệu trưởng trường THCS xã Đăk La cho biết.

Thời điểm xét tốt nghiệp THCS không còn xa, để giảm thiểu tình trạng học sinh nghỉ học, giảm bớt gánh nặng cho giáo viên, trước hết nhà trường, địa phương phải xác định rõ nguyên nhân nghỉ học của học sinh, trên cơ sở đó các bên có sự phối hợp vận động giúp các em ra lớp đều đặn.

Linh Thủy – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *