(kontumtv.vn) – Năm 2018 và 2019 tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở tỉnh Kon Tum diễn biến phức tạp, đây là thách thức lớn với ngành Chăn nuôi – Thú y tỉnh.

Khi dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở đàn gia súc trên địa bàn tỉnh vừa tạm lắng thì dịch tả lợn châu Phi lại xuất hiện tại huyện Ia H’Drai vào cuối tháng 5 và tại huyện Đăk Hà vào tháng 6/2019. Đây là thách thức không nhỏ đối với đội ngũ làm công tác thú y trên địa bàn tỉnh. Tinh thần vào cuộc quyết liệt để chống dịch đã được cán bộ, nhân viên toàn ngành tích cực hưởng ứng. Ông Nguyễn Văn Trung, cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật Sao Mai, thành phố Kon Tum nói: “Theo tinh thần chỉ đạo của sở, tỉnh, Chi cục Thú y,  trạm trực 24/24, chấp hành khử trùng tiêu độc, phun thuốc các phương tiện vận chuyển, gia súc gia cầm qua đây cũng có cả công an và quản lý thị trường cũng kết hợp ở trạm để làm việc”.

Khử trùng tiêu độc ổ dịch tả lợn châu Phi
Khử trùng tiêu độc ổ dịch tả lợn châu Phi

Để công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi thực hiện đạt hiệu quả, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đội ngũ cán bộ làm công tác thú y trên địa bàn đã chủ động bám nắm địa bàn, tham mưu tích cực và hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, dập tắt các ổ dịch. Theo đó, có gần 270 con lợn mắc bệnh và nghi mắc dịch tả lợn châu Phi tại hai huyện Ia H’Drai và Đăk Hà bị tiêu hủy. Có 3 trạm kiểm dịch động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi – Thú y và 23 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các huyện, thành phố được thành lập để khử trùng tiêu độc, kiểm soát dịch bệnh. Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục Chăn nuôi – Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết: “Trong thời gian vừa qua Chi cục trực tiếp cử cán bộ xuống địa phương chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương hiệu quả rất tốt. Trong thời gian sắp tới chúng tôi tiếp tục duy trì lực lượng tại địa phương, tăng cường thêm kiểm soát tại các chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện ra vào địa bàn, sản phẩm của lợn vận chuyển ra vào địa bàn”.

Để triển khai công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả, ngành Chăn nuôi – Thú y tỉnh đối mặt với không ít khó khăn. Đó là một bộ phận người dân còn chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và thậm chí có tâm lý giấu dịch. Bên cạnh đó, việc kiện toàn các cơ quan như trạm khuyến nông, trạm chăn nuôi- thú y cùng trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện, thành phố cũng làm ảnh hưởng đến công tác phối hợp, triển khai công tác phòng chống dịch. Trong thực tế, khi kiện toàn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện, thành phố có thời điểm công tác thú y bị bỏ ngõ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ có chuyên môn về thú y tại các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa mỏng, vừa thiếu kinh nghiệm. Ông Đoàn Thanh Mai cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang củng cố, đang phối hợp với chính quyền địa phương để ra quy chế phối hợp giữa hai bên. Tức là giữa Chi cục tỉnh và huyện và cấp xã; chỉ đạo củng cố mạng lưới thú y cơ sở. Mạng lưới thú y cấp xã phát hiện và báo dịch ngay để chúng tôi phòng chống dịch tốt hơn”.

Với sự nỗ lực của ngành Chăn nuôi – Thú Y cùng chính quyền địa phương, kết quả chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh là khả quan. Tại thời điểm hiện nay, huyện Đăk Hà đã hơn 5 ngày chưa phát hiện ổ dịch mới và huyện Ia H’Drai đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi vào ngày 5/7/2019. Kết quả này là động lực để ngành Chăn nuôi – Thú Y tỉnh phát huy tốt hiệu quả trong công tác phòng chống dịch dịch tả lợn châu Phi nói riêng và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh nói chung.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *