(kontumtv.vn) – Năm 2015 đã đi qua, tuy tình hình kinh tế thế giới, trong nước và của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu, năm 2015 ngành Công Thương Kon Tum đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành ở mức khá, góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Cùng với tinh thần chủ động, vượt khó của các doanh nghiệp, trong năm qua, ngành Công Thương tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực, tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chương trình của Bộ Công Thương cũng như các nhiệm vụ, kế hoạch của tỉnh; chủ động nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Kết quả năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng tương đối khá so với năm 2014, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng trên 15% so với cùng kỳ.  Ông Võ Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết: “Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 12% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.150 tỷ đồng, tăng 14,7% và đạt 101% kế hoạch. Tổng mức luân chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu đạt gần 56 triệu USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1% so với cùng kỳ. Có thể nói, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có tăng trưởng khá và thị trường năm 2015 tương đối ổn định”.

HOACH 2015

Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, trong năm 2015, thông qua các chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại, ngành Công Thương đã tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khâu đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến thiết bị máy móc để nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đã tổ chức thành công Hội chợ Biên giới huyện Ngọc Hồi và Hội chợ Công Thương khu vực Tây Nguyên 2015; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ, hội nghị giao thương với các tỉnh bạn. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác phát triển giữa các địa phương trong xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; liên kết sản xuất, cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong vùng, nhằm khai thác các tiềm năng và thế mạnh của từng doanh nghiệp, từng địa phương để phát triển ngành, được các doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá cao. Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung ghi nhận: “Sở Công Thương đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại rất tốt, đã ký kết và giao lưu  nhiều điểm tốt như Festival hàng nông nghiệp Việt Nam, rồi kết nối cung cầu ở Hà Nội, Đà Nẵng, tới đây là kết nối cung cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó đơn vị đã giao lưu và tiếp xúc được nhiều khách hàng lớn, nhiều đối tác lớn và đã thấy mẫu, thử mẫu của HTX”.

Đặc biệt, trong năm qua, việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển ngành đã đạt được nhiều kết quả, nhất là về hạ tầng ngành điện. Đã xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động Trạm biến áp 220kV Kon Tum và đường dây 220kV Pleiku- Kon Tum, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải lưới điện và nhu cầu truyền tải công suất từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn vào lưới điện quốc gia. Các dự án thủy điện trong qui hoạch tiếp tục được đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã hoàn thành hoà vào lưới điện quốc gia, với tổng công suất trên 100MW; 12 vị trí thủy điện đang triển khai xây dựng có tổng công suất trên 130MW, với tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thủy điện trong năm 2015 đạt 200 tỷ đồng, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, xây dựng phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hiện ngành đang tích cực triển khai thực hiện Dự án cấp điện nông thôn cho các thôn làng chưa có điện tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014-2020, đã được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Đến nay, công trình cấp điện đầu tiên của Dự án tại các thôn, xã của huyện mới Ia H’Drai đã hoàn thành, mang lại niềm vui mừng phấn khởi lớn cho cán bộ và nhân dân các xã của huyện vùng biên trong dịp chào đón năm mới.

Bên cạnh đó, các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn giá cả, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; triển khai xăng sinh học E5 đã được ngành quan tâm triển khai tích cực. Trong năm, Sở Công Thương tỉnh đã phối hợp cùng các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh tổ chức đưa 23 chuyến bán hàng lưu động theo Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại các xã vùng sâu, vùng xa ở các huyện trong tỉnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa có chất lượng của nhân dân mà còn góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, Sở đã bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Cục Quản lý thị trường, phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Kết quả trong năm đã kiểm tra 1.850 vụ, trong đó đã phát hiện và xử lý 752 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng; đồng thời tịch thu, tiêu hủy số lượng hàng hóa trị giá trên 46 triệu đồng

Với những kết quả đã đạt được, ngành Công Thương đã góp phần quan trọng cùng với các ngành, các địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 8,32% so với năm 2014, đạt mức tương đối khá so với bình quân chung cả nước. Bước vào năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016- 2020, ngành Công Thương xác định phải nỗ lực nhiều hơn để tạo bước đột phá cho những năm tiếp theo. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng 12%; thương mại tăng hơn 32% và xuất khẩu tăng trên 16% so với năm 2015.

Trong thời điểm cuối năm và chào đón năm mới 2016, Sở đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Ông Võ Văn Sơn cho biết: ‘Từ cuối tháng 11, ngành đã phối hợp với Sở Tài chính xây dựng phương án bình ổn Tết, đến nay đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đăng ký của các doanh nghiệp, tổng vốn để huy động theo chương trình bình ổn là khoảng 85 tỷ đồng và hiện nay đã được Nhà nước cho vay không lãi 13,5 tỷ đồng và đã giải ngân cho doanh nghiệp”.

Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, những kinh nghiệm, kết quả tích cực trong năm 2015 và tư thế sẵn sàng cho năm mới sẽ là điều kiện quan trọng, tạo đà cho ngành Công Thương Kon Tum tiếp tục phát triển, vươn xa trong năm 2016 và những năm tiếp theo, phát huy tốt vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

                                                                     Quang Mẫn – Duy Phong 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *