(kontumtv.vn) – Trước tình trạng bệnh bạch hầu bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, ngành Y tế tỉnh Kon Tum khẩn cấp triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum.

PV: Thưa bác sĩ, bác sĩ nhận định như thế nào về tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh những ngày vừa qua?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Tính đến ngày 9/10, trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2018 ghi nhận 03 trường hợp (01 trường hợp ở Đăk Hà , 01 trường hợp ở Đăk Tô và 01 trường hợp ở Tu Mơ Rông). Tính đến nay có 02 trường hợp tử vong, đó là 01 ở Đăk Tô và 01 ở Đăk Hà. Có 03 trường hợp ở xã Đăk Rơ Ông của huyện Tu Mơ Rông đang được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Những trường hợp này mắc bệnh bạch hầu đều là những trường hợp lớn tuổi. Năm 1991 bắt đầu tách tỉnh, bước vào công tác tiêm chủng, tuy nhiên thời gian đó còn gặp nhiều khó khăn cho nên công tác tiêm chủng của tỉnh mới triển khai 34/64 xã phường, chỉ đạt 53,1%, như vậy còn rất nhiều xã trắng về công tác tiêm chủng, cho nên những đối tượng này mắc bệnh bạch hầu hầu như là đối tượng lớn tuổi, họ không được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu nên thời điểm này họ bị mắc bệnh bạch hầu.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân trả lời phỏng vấn của PV
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân trả lời phỏng vấn của PV

PV: Thưa bác sĩ, ngay khi phát hiện các ca bệnh bạch hầu tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế tỉnh đã triển khai các hoạt động cụ thể gì để hạn chế sự lây lan của bệnh ra cộng đồng?

Bác sĩ CK I Nguyễn Thị Vân: Trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu cuối cùng ở xã Đăk Rơ Ông của huyện Tu Mơ Rông từ ngày 7/10. Hiện nay ngành Y tế đang triển khai quyết liệt những biện pháp phòng chống, đặc biệt đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Tu Mơ Rông tổ chức khám sàng lọc tất cả các thôn lân cận của xã Đăk Rơ Ông để phát hiện sớm các trường hợp sốt, đau họng, nuốt khó có giả mạc để lấy mẫu và đưa đến các cơ sở ytế, bệnh viện để điều trị sớm, cách ly kịp thời nhằm không lây lan ra cộng đồng. Ngành Y tế đã triển khai tiêm vắc xin Td cho huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông; chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn; giám sát những người tiếp xúc, cách ly, điều trị dự phòng và khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời theo đúng quy định của Bộ Y tế, không để dịch bệnh lan rộng. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêm chủng, tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin Quinvaxem cho đối tượng từ 02 – dưới 12 tháng tuổi; tiêm vắc xin DPT4 cho đối tượng từ 18 – 48 tháng tuổi; đối tượng từ 18 – 48 tháng tuổi đã tiêm vét được 50 đối tượng. Tổ chức tiêu độc, khử trùng, phun hóa chất Cloramin B tại trường học và các hộ gia đình xung quanh nhà có bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu.

PV: Qua diễn tiến của bệnh bạch hầu lần này, ngành Y tế tỉnh rút ra được điều gì trong việc kiểm soát, phòng chống bệnh bạch hầu?

Bác sĩ CK I Nguyễn Thị Vân: Qua diễn tiến bệnh bạch hầu lần này, ngành Y tế đã rút ra một số vấn đề để kiểm soát bệnh bạch hầu. Tức là phải chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu trên địa toàn tỉnh; giám sát chặt chẽ tình hình mắc bệnh; giám sát người tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị kịp thời và chuẩn bị đầy đủ vật tư trang thiết bị, thuốc để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ đạo trạm Y tế xã, thị trấn và các phường tăng cường quản lý các đối tượng; rà soát lại toàn bộ trẻ tiêm chưa đủ mũi vắc xin để triển khai tiêm đủ mũi vắc xin có thành phần bạch hầu cho trẻ. Tiếp tục tuyên truyền cho người dân về các triệu chứng của bệnh bạch hầu, nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.

PV: Nhân đây, bác sĩ có đưa ra một vài khuyến cáo gì để người dân chủ động hơn trong phòng ngừa căn bệnh này không?

Bác sĩ CK I Nguyễn Thị Vân: Ngành Y tế đưa ra một số khuyến cáo. Người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh nghi ngờ; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ  đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *