(kontumtv.vn) –  Tây Nguyên, mùa mưa thường đến sớm nên cuối tháng 12 dương lịch đã là cao điểm nắng gắt ở vùng biên giới Ia H’Drai. Vươn lên trong thử thách khắc nghiệt của đất trời, bây giờ,  không chỉ có bạt ngàn cao su, mà còn là sức xanh của không ít loại cây trồng mới, hứa hẹn đem đến cuộc sống ấm no cho người dân vùng đất xa xôi.

Khoảng hai tháng trước Tết dương lịch, đi đến đâu trên mảnh đất biên cương cũng ngập tràn nắng và gió. Trong cái nóng hầm, găn gắt của mùa khô đang vào cao điểm, đám cà phê hơn 1 ha của gia đình anh Nguyễn Trung Hiếu ở khu dân cư thôn 1, xã Ia H’Dal vẫn xanh mướt. Anh Hiếu chia sẻ: :Tôi vào làm công nhân cao su đã 3 năm, thấy kinh tế của mình vẫn chưa được phát triển cho lắm nên đã mạnh dạn đầu tư thêm vườn cà phê để tăng thêm thu nhập. Vườn cà phê đã vào năm thứ 2 ,vừa rồi đã cho thu bói”.

Vùng Nam Sa Thầy ngày trước, huyện mới Ia H’Drai bây giờ được biết đến là địa bàn trọng điểm cây cao su của tỉnh Kon Tum. Cao su tiếp nối cao su, những lô những thửa trải dài. Chưa kịp đem đến niềm vui cho người một sương hai nắng, loại cây công nghiệp chủ lực đã gặp phải thời bão giá. Người trồng cao su đối mặt với bao nỗi lo đầu ra  cho sản phẩm, thị trường tiêu thụ. Vì vậy, chủ động đa canh đúng hướng được xem là giải pháp đột phá của người sản xuất. Chọn đất gần bên khe suối, chủ động cải tạo chỗ trũng thành hồ để ổn định nguồn nước tưới, đồng thời chăm sóc cẩn thận để có được vườn cà phê tươi tốt như gia đình anh Hiếu là thành công không nhỏ. Chỉ qua vụ đầu thu bói, tương lai đã hứa hẹn mở rộng thêm nhiều diện tích cà phê.

Trung tâm huyện mơi Ia H' Drai
Trung tâm huyện mới Ia H’ Drai

Chẳng phụ công người, không riêng với cà phê, sự hình thành và  bước đầu phát triển cây tiêu trên đất vùng biên cũng được xem là “điểm nhấn” ở vùng biên nắng gió. Đó là vườn tiêu hơn 7 sào với loại giống mang tên Lộc Ninh của ông Nguyễn Sĩ Tuấn ở Nông trường số 2 – Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy trên vùng đất rừng chuyển đổi. Thế mạnh là kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực phát triển cây cao su, nhưng với kỹ thuật trồng tiêu, người cán bộ gắn bó với đất đai nơi này còn hết sức lạ lẫm. Nỗ lực học hỏi, mạnh dạn vận dụng vào thực tế trồng và chăm sóc cây trồng với quyết tâm cao, ông Tuấn đã gây dựng được vườn tiêu mơ ước. Mới 2 năm, nhưng dây tiêu đã phủ trụ. Thu bói chỉ đạt khoảng 1kg mỗi trụ, song vườn tiêu đã hứa hẹn sẽ đạt năng suất gấp 4-5 lần trong năm tới. Sức vóc của lá, của  thân không thua kém bất kỳ vườn tiêu nào ở vùng thuận lợi. Ông Ngụy Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Ia Dal, huyện Ia H’D Rai cho biết: “Sau 2 năm thực nghiệm, đến giờ cây tiêu đã cho ra trái hiệu quả , có năng suất. Chính vì hiệu quả kinh tế này UBND xã, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Hội Nông dân, các ban, ngàn, đoàn thể của xã  đến đây,học hỏi mô hình, rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng mô hình trên địa bàn xã, từng bước ổn định đời sống người dân”.

Chưa đầy một năm sau ngày thành lập, huyện mới Ia H’Drai đã từng bước ổn định, duy trì nề nếp hoạt động. Huyện có 3 xã với hơn 11.000 dân, gốc là công nhân các nông trường đứng chân tại địa bàn. Chăm lo sản xuất, tranh thủ hỗ trợ đầu tư để đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống; song khó khăn nhất với bà con ở nhiều khu dân cư vẫn là chưa có điện và nước sinh hoạt, còn trở ngại do cấu tạo địa chất và đặc thù điều kiện tự nhiên trong vùng. Gần 5 năm gắn bó với vùng biên, những ngày giáp Tết dương lịch 2016, niềm vui đến với gia đình anh Vi Xuân Hiếu, người dân tộc Mường ở thôn 4, xã Ia Dal cùng nhiều hộ bà con  trong huyện đã rạng ngời trong câu chuyện đón dòng điện lưới quốc gia về khu nhà ở. Dự án lắp đặt hệ thống điện do Nhà nước đầu tư, song để đẩy nhanh tiến độ thi công, mọi người đã chung tay tự giác dọn sửa mặt bằng xây dựng trụ điện, phụ giúp kéo đường dây đi qua…Anh  Hiếu phấn khởi: “Có nguồn điện thắp sáng, hục vụ sinh hoạt gia đình, thứ hai sẽ sử dụng để bơm nước từ suối phục vụ cho sản xuất là cái cần thiết nhất của bà con chúng tôi”.

Sắp tròn một năm thành lập. Thời gian chưa hẳn là nhiều, song ngày ngày, trên những nẻo đường biên giới xa xôi, những bước chân cán bộ, chiến sĩ, dân quân vẫn miệt mài trên từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc. Ở đây, mỗi cột mốc vững chãi hiện diện như nhắc nhở mọi người vững vàng chân cứng đá mềm, vì niềm tự hào thiêng liêng của những người con đất Việt. Ông  A Ung, Phó trưởng Công an xã  Ia Dal, huyện Ia H’Drai nói: “Trong thời gian qua, 3 lực lượng chúng tôi biên phòng, dân quân, công an tuần tra kiểm soát đường biên, cột mốc và vận động, tuyên truyền bà con thực hiện nghiêm Nghị định 34 của Chính phủ”.

Trong bộn bề khó khăn, thiếu thốn, mảnh đất vùng biên Ia H’DRai đang từng ngày chuyển động, đi lên bằng chính sự nỗ lực cố gắng của nhân dân các dân tộc địa phương. Đường còn dài và gian nan, song ngày mai đang bắt đầu từ hôm nay với bao nỗ lực, quyết tâm…

                                                                            Nghĩa Hà – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *