(kontumtv.vn) – Người Sê Đăng ở Kon Tum vốn nổi tiếng có nghề rèn giỏi, tuy nhiên do nhiều yếu tố nghề rèn ở các làng Xê Đăng dần bị mai một. Việc cộng đồng người Sê Đăng ở Măng Bút (Kon Plông, Kon Tum) gìn giữ, phát huy nghề rèn truyền thống là đáng trân trọng.

Mặc dù những sản phẩm do các nghệ nhân ở xã Măng Bút tự rèn không được tinh xảo, nhưng tính tiện dụng, độ bền và độ sắc bén thì ít sản phẩm rèn hiện đại nào sánh kịp. Chính điều này đã giúp nghề rèn truyền thống ở xã Măng Bút vẫn được duy trì, bảo tồn trước những sản phẩm rèn công nghiệp. Đặc biệt, những sản phẩm rèn truyền thống của người Sê Đăng ở Măng Bút không chỉ có giá trị về mặt sử dụng, mà còn chứa đựng nét văn hóa, tình cảm của người rèn cũng như người sử dụng. Nghệ nhân A Chơn (làng Văn Loa, xã Măng Bút) nói: “Con dao của người Sê Đăng thường người ta tự làm. Cái này đàn ông ở đây thường dùng đi rừng, đi núi, làm bẫy. Người ta hay dùng con dao, ít dùng rựa, không thể thiếu con dao. Làm con dao chọn sắt tốt để làm dao cho tốt”.

Lò rèn của đồng bào DTTS xã Măng Bút
Lò rèn của đồng bào DTTS xã Măng Bút

Nghề rèn trong cộng đồng Sê Đăng ở Măng Bút có từ bao giờ, ngay những người lớn tuổi nhất cũng không thể biết. Chỉ biết rằng, mỗi năm sau khi thu hoạch xong lúa rẫy, dân làng tổ chức xong lễ mừng lúa mới thì đó là thời điểm chủ lò rèn làm lễ mở lò. Sau đó, những nghệ nhân biết nghề mới có thể bắt tay vào rèn các vật dụng cần thiết. Quá trình này được lặp đi, lặp lại qua nhiều thế hệ tại các làng Sê Đăng xã Măng Bút. Già làng A Hon (làng Văn Loa, xã Măng Bút) nói: “Lấy con ếch mình cúng, làng mình không được làm con gà đâu, mình làm con ếch, mình cúng cái sắt đừng có bể, mình cúng cho nó chắc chắn. Cầu nguyện đừng có chặt trúng người, đừng bể cái dao, đừng bị hư”.

Trước đây, người Sê Đăng ở Măng Bút thường sử dụng hai chiếc ống dài để làm bể lò. Người thổi bể lò dùng tay kéo đẩy hai thanh gỗ có gắn bùi nhùi để tạo hơi thổi lò than làm nóng sắt. Ngày nay, bà con chỉ sử dụng hai chiếc ống dài mang tính tượng trưng khi làm thủ tục mở lò. Việc thổi lửa để rèn được thay thế bằng các bể tay quay cải tiến. Đáng mừng là bên cạnh lớp nghệ nhân cao tuổi, nhiều thanh niên trẻ cũng biết rèn các vật dụng truyền thống.

Nằm ở phía bắc huyện Kon Plông, xã Măng Bút có 13 thôn làng, gần 100% người dân là đồng bào Sê Đăng. Hiện trong mỗi thôn làng của xã Măng Bút đều duy trì được các lò rèn truyền thống.

                                                                                           Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *