(kontumtv.vn) – Đến thời điểm hiện nay, Huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã hoàn thành việc ra soát những diện tích có khả năng bị thiếu nước tưới trong vụ đông xuân 2016-2017. Trên cơ sở đó, các địa phương trên địa bàn huyện đang tích cực vận động bà con ký cam kết chuyển đổi cây trồng để tránh bị thiệt hại do khô hạn gây ra.

Vụ đông xuân năm 2015-2016, do khô hạn, thiếu nước tưới nên xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi có trên 100 ha lúa bị thiệt hại từ 30 đến 70% và gần 16 ha bị mất trắng. Để tránh thiệt hại như vụ đông xuân vừa qua, từ cuối tháng 5/2016, địa phương đã triển khai rà soát những diện tích có khả năng thiếu nước tưới trong vụ đông xuân tới, trên cơ sở đó vận động bà con chuyển đổi cây trồng cho phù hợp. Ông Nguyễn Hữu Bảng, Chủ tịch UBND xã Đăk Xú, nói: “Vụ đông xuân tới, xã vận động chuyển đổi khoảng 70 ha tại một số thôn  ĐBDTTS, bà con làm ruộng ven suối, không đảm bảo nước tưới sẽ vận động chuyển sang trồng các loại hoa màu, chủ yếu là cây ngô”.

Rà soát những diện tích lúa có khả năng thiếu nước để chuyển đổi trong vụ đông xuân tới
Rà soát diện tích lúa có khả năng thiếu nước để chuyển đổi trong vụ đông xuân tới

Đến thời điểm hiện tại, các địa phương trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã cơ bản xây dựng các phương án nhằm hạn chế thiệt hại do tình trạng thiếu nước tưới  trong vụ đông xuân 2016-2017. Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết: “Để tránh thiệt hại cho vụ sau, năm nay UBND xã chủ trương các hộ gieo sạ vụ đông xuân sớm và một số diện tích có nguy cơ bị hạn hán như đã thống kê thì đề nghị các hộ dân tập trung chuyển đổi theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, sang trồng ngô, trồng đậu và rau màu khác. Hiện nay có một số hộ đã đăng ký chuyển đổi”.

Qua kết quả rà soát, thống kê sơ bộ, huyện Ngọc Hồi có trên 80 ha, chủ yếu là diện tích trồng lúa nước dọc  ven suối có nguy cơ bị thiếu nước tưới trong vụ đông xuân 2016-2017. Ông Nguyễn Hữu Bảng, Chủ tịch UBND xã Đăk Xú, nói: “UBND huyện đã chỉ đạo các xã thống kê toàn bộ diện tích lúa nước nguy cơ thiếu nước sản xuất thì sẽ tiến hành chuyển đổi sang trồng cây khác như cây sắn, tổ chức ký cam kết buộc phải chuyển đổi sang trồng cây khác, không để trồng lúa. Nếu tiếp tục trồng lúa thì thiệt hại người dân sẽ không được hỗ trợ”.

Ngoài ra, để hạn chế thiệt hại trong sản xuất vụ đông xuân, Ngọc Hồi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con không nên tự ý mở rộng diện tích trồng cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su… ở những vùng, khu vực không được qui hoạch.

                                                                              Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *