(kontumtv.vn) – Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Nhà lao Kon Tum được xem là lò giết người tàn bạo nhất thời bấy giờ; là bằng chứng tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp; cũng là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, ngoan cường của những chiến sĩ cộng sản. Ngày nay, khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum chính là nơi lưu giữ những dấu tích hào hùng, là địa chỉ đỏ cho những bài học xương máu của dân tộc được khắc ghi cùng năm tháng.

Cách đây 90 năm, chính tại Ngục Kon Tum, từ trong ngục tù tăm tối, nơi tận cùng của sự đọa đày đau khổ, những người cộng sản nguyện chết để mầm cách mạng mãi tươi xanh. 90 năm sau, đi qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian, Ngục Kon Tum vẫn là biểu tượng thiêng liêng của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, kiên trung của những chiến sĩ cộng sản; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau. Trong những ngày tháng 12 lịch sử, thầy và trò Trường THCS – Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng, thành phố Kon Tum đã đến thăm Ngục Kon Tum, thắp nén tâm nhang trước anh linh của những chiến sĩ cộng sản đã hi sinh. Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hảo, Tổng phụ trách đội, Trường THCS – Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng, thành phố Kon Tum không khỏi xúc động: “Để các em thấy được tinh thần đấu tranh của các thế hệ cha anh đi trước, qua đó giúp các em tự hào về các thế hệ cha anh đi trước cũng như thể hiện lòng biết ơn và thấy trách nhiệm của mình trong phấn đấu học tập để mai sau trở thành những người sống có ích cho xã hội và tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giúp đất nước phát triển hơn.

Lần giở từng câu chuyện lịch sử của nơi này, chị Phan Thị Hồng Hạnh, thuyết minh viên Khu di tích Ngục Kon Tum cho biết, Ngục Kon Tum ra đời khoảng năm 1915 – 1917, và được nhiều người biết đến, dư luận quan tâm sau cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, khi thực dân Pháp đầy ải, giam giữ trên 500 tù chính trị. Là nhà lao nổi tiếng số một về sự chết chóc với số lượng nhiều nhất và thời gian ngắn nhất. Tại đây và dọc con đường 14, con đường của địa ngục trần gian, chỉ tính riêng trong 6 tháng mùa khô 1930 – 1931 đã có 210 người trên tổng số 295 tù chính trị phải bỏ mạng. Cuộc đấu tranh lưu huyết diễn ra vào tháng 12/1931 chính là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh chống lại sự tàn bạo của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Chị Phan Thị Hồng Hạnh, thuyết minh viên Khu di tích Ngục Kon Tum kể lại: “Như kế hoạch đã đặt trước thì anh em tù mới đồng loạt chạy về nhà giam và đóng chặt cửa tù lại, và hô vang khẩu hiệu phản đối đi Đăk Pét, không đi Đăk Pét. Tên cai tù Muler mới tiến lại gần quát to “bây muốn gì?” Anh Nguyễn Huy Lung với số tù 299 mới dõng dạc trả lời tên đội Muler là không đi Đăk Pét. Anh Trương Quang Trọng với số tù 303 đừng gần cửa nhà lao mới phanh áo ra chỉ vào ngực và nói to với tên đội Muler khi đó đang hỏi, đang quát tháo là thằng tù 299 đâu rồi rằng “lơ vơ xi, lơ vơ xi, nó ở đây, nó ở đây”. Anh Trọng đã chết thay cho đồng đội. Lúc hi sinh thì anh Trọng mặc trên mình chiếc áo trắng người vợ chưa cưới tặng và chiếc áo đấy đã thấm đẫm máu đào của anh Trương Quang Trọng, chiếc áo đấy chính là sự kết tinh giữa tình yêu đôi lứa với quê hương đất nước.”

Ở di tích Ngục Kon Tum có rất nhiều câu chuyện liên quan đến những kỉ vật,  trong đó kỉ vật để lại cho chị Phan Thị Hồng Hạnh nhiều cảm xúc nhất là một khúc gỗ trắc. Chị Hạnh chia sẻ: “Lúc bấy giờ các đồng chí tù chính trị mới đào 2 ngôi mô lên và trong 2 ngôi mộ đó mới thấy hình hài, thi hài đồng đội mình người ngồi, người nằm, kẻ đứng. Lúc đó thì đồng đội rất xúc động khi thấy đồng đội đã hi sinh nhưng cũng không được chôn cất đàng hoàng, anh em rất xúc động. Anh em tù chính trị đã sắp xếp lại những đồng chí đã hi sinh và chôn cất trong một ngôi mộ tập thể  và dùng khúc gỗ trắc này đánh dấu 2 ngôi mộ.”

Hiện nay, Khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum đang lưu giữ và trưng bày 400 hiện vật cùng hơn 500 trang tư liệu quý. Tại sảnh khu di tích là 2 ngôi mộ lớn ghi danh 15 chiến sĩ cách mạnh hi sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết và cuộc đấu tranh tuyệt thực năm 1931. Cùng với quá khứ hào hùng của dân tộc, địa chỉ đỏ Ngục Kon Tum là nơi lịch sử đã được viết nên bởi chính ý chí và sinh mệnh của cha anh đi trước, nhắc nhớ cho các thế hệ hôm nay và mai sau về quá khứ quật cường và đau thương đã làm nên một phần lịch sử của mảnh đất Kon Tum. Viếng thăm khu di tích Ngục Kon Tum, em Nguyễn Huỳnh Nhật Hạ, học sinh Trường THCS – Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng, thành phố Kon Tum xúc động: “Qua đó con cảm thấy một tinh thần yêu nước rất dồi dào và mt lòng với tổ quốc, và thực hiện đúng trách nhiệm, trọng trách của mình là bảo vệ tổ quốc, và con cảm thấy rất khâm phục và biết ơn những chiến sĩ đó. Em Lê Phúc Hoàng, học sinh Trường THCS – Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng, thành phố Kon Tum, tiếp lời: “Những cống hiến đó đã giúp em có được ngày hôm nay. Bổn phận mình sẽ có trách nhiệm phát triển hơn, giúp đất nước mình lớn mạnh hơn.

90 năm trước, Ngục Kon Tum trở thành biểu tượng cho ý chí sắt đá, quật cường của những chiến sĩ cộng sản. 90 năm sau, nơi đây chính là địa chỉ đỏ để những thế hệ cán bộ và nhân dân Kon Tum tìm về với lịch sử cha anh. Trước anh linh của các cha anh, nguyện sống xứng đáng hơn, nguyện ghi lòng tạc dạ những bài học vô giá của những năm tháng kiên trung./.

Chung Loan – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *