(kontumtv.vn) – Những hạn chế của vốn vay ưu đãi tái canh cây cà phê làm cho người dân, doanh nghiệp ở Kon Tum không muốn tiếp cận nguồn vốn này và những hạn chế đó đang tạo rào cản trong quá trình thực hiện mục tiêu tái canh cà phê. Để tìm hiểu vấn đề một cách toàn diện hơn, phóng viên Đài PT-TH tỉnh có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Kon Tum xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có bao nhiêu doanh nghiệp, cá nhân đã vay nguồn vốn chính sách tái canh cây cà phê? Nguồn vốn đã giải ngân có đạt so với dự tính hay không?

Ông Hoàng Minh Tân: Tình hình tái canh cây cà phê trên địa bàn đến thời điểm hiện nay mức độ đạt được tương đối hạn chế. Số lượng khách hàng vay và dư nợ tái canh cây cà phê hiện nay mới được 11 khách hàng, trong đó có 9 khách hàng cá nhân là hộ sản xuất, 2 khách hàng là hộ doanh nghiệp.

PV: Được biết nguồn vốn để hỗ trợ tái canh cây cà phê là không thiếu, tuy nhiên như ông vừa trao đổi, đến thời điểm hiện nay nguồn vốn giải ngân vẫn còn những hạn chế. Vậy ông cho biết nguyên nhân vì sao?

Ông Hoàng Minh Tân trả lời phỏng vấn của PV
Ông Hoàng Minh Tân trả lời phỏng vấn của PV

Ông Hoàng Minh Tân: Hiện nay NHNN Việt Nam đã ủy thác cho NHNN&PTNT Việt Nam (Agribank) chịu trách nhiệm về giải ngân tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh. Nói về nguồn vốn thì không thiếu, tức là các nhu cầu vốn thì đều được đáp ứng, tuy nhiên khi triển khai hiện nay cũng còn rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là liên quan đến đất đai, đất đai thì đúng ra anh phải có quyền sử dụng đất, nhưng một số hộ không có QSDĐ, có thể vẫn cho vay được nhưng với điều kiện UBND cấp xã phải xác nhận đất đó là không có tranh chấp và có thể thực hiện tái canh theo qui hoạch của huyện được, nhưng một số xã ngại không xác nhận diện tích tái canh cà phê cho các hộ sản xuất. Thứ hai nữa là vấn đề đảm bảo thì theo quy định tuy là không thế chấp nhưng phải nộp bìa đỏ cho ngân hàng để tránh việc có thể vay nhiều nơi, nhiều chỗ. Tuy nhiên khách hàng lấy bìa đỏ của mình vay các chương trình khác, do vậy không thể thế chấp hay gọi là nộp để vay chương trình tái canh cây cà phê, đây cũng là một khó khăn. Hoặc là trong thực hiện tái canh cây cà phê, vườn cây các doanh nghiệp đúng ra phải được định giá và phải được ghi nhận gọi là tài sản gắn liền với đất, nhưng hiện nay khi thực hiện việc này trên địa bàn các huyện, đặc biệt là huyện Đăk Hà thì cái này vẫn còn vướng, do vậy mà khi thực hiện đăng ký đảm bảo thì vẫn chưa thực hiện được, tức là chưa đăng ký vườn cây trên đất.

PV: Trên thực tế, người dân rất cần nguồn vốn để tái canh. Tuy nhiên, người dân phản ánh việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn còn có những khó khăn nhất định. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Hoàng Minh Tân: Cũng như vừa mới trao đổi, nguồn vốn Ngân hàng giao cho Agribank không bao giờ thiếu đối với tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên từ những khó khăn như trên thì người dân muốn vay nhưng các điều kiện khó khăn như tôi nói vừa rồi thì người dân không tiếp cận vốn vay được. Ngân hàng muốn cho vay thì phải áp theo các điều kiện mà nó cứ vướng như đất đai không ai xác nhận, xã không xác nhận thì làm sao giải ngân. Có bìa đỏ mà bìa đỏ thế chấp chỗ khác không nộp vô thì ai cho vay. Như vậy vốn thì không thiếu nhưng những khó khăn như tôi vừa trình bày thì người dân vẫn khó tiếp cận được.

PV: Thưa ông, trước những khó khăn như ông vừa trao đổi thì NHNN có giải pháp gì để người dân thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay tái canh cà phê?

Ông Hoàng Minh Tân: Khi nắm bắt được tình hình khó khăn hiện nay thì chúng tôi sẽ có một số giải pháp trong thời gian tới làm sao thúc đẩy tiến độ giải ngân và người dân tiếp cận vốn được tốt hơn. Có thể là giao cho Agribank cử cán bộ tín dụng trực tiếp tiếp cận với hộ dân, với doanh nghiệp để nắm được là các hộ này đang vướng mắc gì để tháo gỡ tứng khoản một rồi chúng ta thiết lập hồ sơ vay vốn kịp thời gắn với từng hộ cụ thể, chứ nó không thể mang tính chất đồng loạt vì mỗi hộ có một khó khăn khác nhau, do đó tiếp cận từng hộ để tháo gỡ cho từng hộ. Đặc biệt cũng mong rằng các hộ, các doanh nghiệp có thực hiện tái canh cây cà phê cũng đồng hành cùng ngân hàng để làm sao thực hiện tái canh cây cà phê tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông về những thông tin vừa trao đổi.

Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *