(kontumtv.vn) – Theo thống kê, hiện nay huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) có gần 330 ha sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng tự nhiên. Huyện chủ trương đến năm 2020 đưa tổng diện tích cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn lên 500 ha. Để đạt được mục tiêu này, huyện tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh thực hiện mô hình tổ liên kết trồng sâm Ngọc Linh giữa doanh nghiệp và nhân dân. Qua 4 năm triển khai thí điểm tại xã Măng Ri, mô hình bước đầu đạt hiệu quả.

Người dân liên kết với doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh
Người dân liên kết với doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh

Thực tế, trong 330 ha diện tích sâm Ngọc Linh thống kê trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đến thời điểm hiện tại, có đến hơn 96% diện tích sâm là của doanh nghiệp, còn lại diện tích sâm của nhân dân chiếm rất nhỏ, chỉ gần 4%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là nguồn giống sâm cung ứng còn hạn chế. Thứ hai, trồng sâm cần chi phí đầu tư lớn, trong khi đó, nguồn vốn của các hộ dân không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đó là chưa kể, người dân thiếu kỹ thuật chăm sóc và gặp không ít khó khăn trong công tác bảo vệ, quản lý vườn sâm. Vì vậy triển khai mô hình liên kết trồng sâm giữa doanh nghiệp và người dân là một hướng đi đúng đắn trong thời điểm hiện nay. Được sự hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân có nhiều điều kiện thuận lợi để nhân rộng diện tích cây sâm Ngọc Linh, góp phần không nhỏ vào bảo tồn và phát triển nguồn sâm quý trên địa bàn. Ông A Sỹ, Bí thư Đảng bộ xã Măng Ri nói: “Sâm Ngọc Linh giá trị kinh tế rất cao, chưa có 1 hộ nào trên địa bàn xã Măng Ri dám đầu tư về loại cây đó. Trong 2-3 năm gần đây, công ty liên kết với người dân làm thì nhiều hộ dân muốn phát triển sâm Ngọc Linh. Được liên kết trồng sâm công ty với người dân rất hăng hái. Tại vì người dân tham gia thì không tốn gì hết, chỉ tham gia thôi, ví dụ 1 cá nhân, hộ nào đó làm thì họ phải lo ăn, uống, quản lý, bảo vệ, nó rất khó, bây giờ làm liên kết với công ty thì người dân chỉ lo làm thôi, công ty lo hết”.

Hiện xã Măng Ri có 8 tổ liên kết trồng sâm giữa người dân và doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Số lượng thành viên tham gia là 220 hộ dân, làm việc trực tiếp tại vườn sâm của công ty. Công việc chính của người dân khi tham gia tổ liên kết là ươm giống trồng sâm, chăm sóc, quản lý và bảo vệ vườn sâm 24/24 giờ mỗi ngày. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói: “Đây là một mô hình liên kết rất tiến bộ trong thời điểm hiện nay. Thứ nhất, người dân làm cho công ty được nhận lương mỗi tháng 3 triệu đồng, thứ hai, ăn uống trong tháng công ty lo. Ngoài ra, cuối năm, công ty thưởng cho mỗi hộ là 100 mầm sâm. Các hộ trồng 100 mầm sâm này, sau khi phát triển đến lúc bán được thì người dân được hưởng 100%. Đây là một mô hình rất hữu ích, giúp xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện, nhất là người dân xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây. Bà con rất phấn khởi, rất có tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng”.

Theo ông Vương Văn Mười, để bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh một cách bền vững, ngay từ đầu phải làm tốt công tác quản lý nguồn giống sâm, phải xác định được nguồn gốc, xuất xứ của giống sâm trồng. Mô hình liên kết trồng sâm Ngọc Linh giữa doanh nghiệp và nhân dân xã Măng Ri phần nào giúp giải quyết vấn đề này. 71.200 gốc sâm do 8 tổ liên kết quản lý, bảo vệ đều do Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh cung cấp. Đây là một trong hai đơn vị cung ứng giống sâm Ngọc Linh uy tín nhất hiện nay.

Thu Trang – Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *