(kontumtv.vn)- Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đang nhận được sự quan tâm của cử tri. Kỳ họp đã nghe các báo cáo tổng hợp kết quả thẩm tra các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, kế hoạch và đầu tư….Đồng thời thảo luận và chất vấn các nội dung liên quan.

Qua theo dõi nội dung kỳ họp, cử tri huyện Đăk Hà (Kon Tum) cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, kế hoạch và đầu tư được trình bày tại kỳ họp. Bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Đăng Lượng, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn 5 xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà nói: “Về tinh thần thì bà con rất phấn khởi với chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, nhưng về kinh phí thì nó còn hạn chế để chúng tôi xây dựng các hạng mục như xà đơn, xà kép, khu vui chơi hay khuôn viên hội trường là chưa có. Vậy nên cũng đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí để chúng tôi xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu được hoàn thành”.

Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp Quốc hội
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp Quốc hội

Một trong những nội dung được đông đảo người dân quan tâm trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn là công tác quy hoạch, phê duyệt dự án các công trình thủy điện phải đi đôi với đảm bảo môi trường sinh thái. Để làm được điều này, cần có sự giám sát chặt chẽ của các ban chuyên trách của Quốc hội. Cùng với đó, cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đánh giá sát, đúng thực tiễn những tác động môi trường trong việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện. Ông Thái Văn Khôi, tổ dan phố 5, thị trấn Đăk Hà nêu ý kiến: “Việc xây dựng các công trình thủy điện thì chưa có quy hoạch cụ thể dẫn đến việc thủy điện chồng thủy điện. Đã xây dựng công trình thủy điện thì nó ảnh hưởng đến rừng, và thực tế thì hậu quả là mưa lũ để lại những hậu quả khôn lường. Trong công trình xây dựng thì đảm bảo chất lượng. Cơ quan giám sát của Quốc hội phải giám sát về tình hình thực hiện xây dựng và quản lý thủy điện như thế nào cho phù hợp. Tránh tình trạng cứ xây lên để đó, rồi đến khi nó ảnh hưởng đến môi trường sinh thái thì lại đùn đẩy trách nhiệm. Như vậy thì không thể phù hợp với lòng dân”.

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các hoạt động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là giải pháp được nhiều cử tri đề xuất. Trong đó, yêu cầu bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, rất cần sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình thủy điện và chính người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Bảo vệ hệ sinh thái đặc thù của từng địa phương. Ông Thái Văn Khôi đề nghị: “Bây giờ chức năng quản lý, bảo vệ rừng không còn chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng nữa. mà chúng ta đã thực hiện chủ trương giao đất giao rừng cho người dân thì tôi thấy trách nhiệm của người dân luôn được đảm bảo. Thứ nhất là đảm bảo được nguồn nước cung cấp cho thủy điện, thứ hai nữa là nó ngăn các cơn lũ ống, lũ quét. Do đó, việc trồng rừng, bảo vệ rừng là ưu tiên số một để vừa đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, vừa đảm bảo môi trường sinh thái cho người dân”.

Với tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp lần này, nhiều ý kiến thảo luận, chất vấn sẽ được ngành chức năng làm sáng tỏ để Quốc hội, Chính phủ sớm đề ra giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra và đề ra những quyết sách góp phần phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương.

                                                   CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *