(kontumtv.vn) – Trong tuần đầu trở lại sau kỳ nghỉ Tết, thông tin giáo dục tiếp tục “nóng” với câu chuyện “quyết định cho dừng tuyển sinh hơn 200 ngành đào tạo đại học”. Bên cạnh đó, 2 nhân vật có nhiều đóng góp cho giáo dục cũng xuất hiện, ở các vị thế và tâm thế khác hẳn nhau.
“Đòi ” đủ tiến sĩ
Ngày 25/1, Bộ GD-ĐT công bố kết quả rà soát ngành ĐH, CĐ trong trường đại học và quyết định dừng tuyển sinh đối với 207 ngành trình độ ĐH của 71 cơ sở từ năm 2014 do không đáp ứng các điều kiện quy định, chủ yếu là điều kiện về trình độ giảng viên cơ hữu (phải có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ).
Nhiều trường bất ngờ và phản ứng quyết định này, cho rằng thống kê của Bộ có nhầm lẫn, hoặc cách tiếp cận không ổn”, nhất là “cứng nhắc” áp chuẩn “giảng viên tiến sĩ” trong khi có những ngành “30 năm trước và thậm chí cả 3 năm tới” cũng không lấy đâu ra tiến sĩ để dạy.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích rằng, Bộ GD-ĐT đã có lộ trình rà soát, cảnh báo và nhắc nhở trong 3 năm, tới nay quyết làm mạnh tay, cũng là trong “dòng chảy” thực hiện sứ mạng “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo”. Bởi để đổi mới được, thì hệ thống giáo dục ĐH phải có một đội ngũ giảng viên hùng hậu và lớn mạnh mới có thể đảm bảo quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng.
Cả nước hiện có khoảng 70.000 giảng viên, trong đó khoảng 17 – 18% trình độ tiến sĩ; trong khi có 2.800 ngành đào tạo ĐH. “Có nhiều con số của các trường thấp hơn thực tế đã kê khai, báo cáo, hoặc hiện tượng “một tiến sĩ có tên ở nhiều trường”, Thứ trưởng Ga cho biết.
Quyết định rơi vào thời điểm chuẩn bị tuyển sinh, khiến nhiều trường đang cấp tập chứng minh. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng để mở đường cho các trường lo hoàn thiện các điều kiện trong 2 năm (từ nay đến hết năm 2015).
Nhiều người đặt câu hỏi không biết Bộ GD-ĐT có giơ cao đánh khẽ, hoặc bình luận về cung cách quản lý khi lỏng lúc chặt khiến các trường không biết đâu mà lần. Tuy nhiên, có thể thấy từ đây thông điệp về “chuẩn hóa” chất lượng đào tạo, một đòi hỏi gay gắt từ thị trường nhân lực hiện đang có quá nhiều cử nhân thất nghiệp hiện nay.
Thống nhất tên gọi “ngoại”
Dường như có sự đồng thanh tương ứng về việc “chuẩn hóa”, cuối tháng 1 này, một chỉ đạo khác lại đến với các cơ sở đào tạo đại học. Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị chấn chỉnh tên gọi nước ngoài, không để “loạn” university, thực chất trường dạy nghề cũng gọi là “đại học”, rồi đại học quốc gia, đại học vùng, đại học thành viên,v,v…. Việc này phải hoàn thành trước quý 1 năm nay.
Có ý kiến bình luận “chiếc áo không làm nên thầy tu”, tuy nhiên khía cạnh tích cực của động thái này cũng có liên quan tới việc định hình, xếp loại và phân tầng việc đào tạo đại học còn lộn xộn và chưa chuyên nghiệp hiện nay, đặc biệt trước phong trào nở rộ trường đại học, không đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Sẽ thử nghiệm đổi mới giáo dục phổ thông trong 2,5 năm
Xuất hiện “trực tiếp” trên chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có các môn bắt buộc và nhiều môn tự chọn, có những kết quả trong suốt quá trình học phổ thông của học sinh sẽ được sử dụng cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên hiện nay sự đồng bộ giữa hai kỳ thi này đang ở giai đoạn đầu nên việc ứng dụng này sẽ còn “ở thì tương lai xa”, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện. Hiện nay, đề án của chương trình này đã được hoàn tất và trình Chính phủ. Theo đó sẽ thử nghiệm chương trình trong 2,5 năm và hoàn thiện trong 6,5 năm, tới năm 2022 là hoàn thành.
Năm 2014, ngành giáo dục xác định “bấm nút vận hành” then chốt là đổi mới thi cử. Học sinh được chọn môn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Lê Anh Dũng |
“Cải cách chính mình”
Trong khi các nhà quản lý đang đổi mới bằng các chỉ đạo hành chính “mạnh tay” như vậy, thì trong đời sống giáo dục cũng đang tiếp nhận những thay đổi “từ dưới lên”.
Thoát khỏi ảnh hưởng từ giải thưởng Toán học Field, hơn một năm nay, GS Ngô Bảo Châu đã khởi xướng và trực tiếp tham gia điều hành trang mạng Học Thế Nào với mục tiêu “dành thời gian và công sức một cách hoàn toàn thiện nguyện để nghiên cứu hiện trạng giáo dục nước nhà, so sánh với giáo dục của các nước, và đưa ra một số ý kiến”.
Trao đổi với báo chí đầu năm mới, ông cho hay: việc xuất hiện những nhóm dân sự tham gia giải quyết các vấn đề mà thực tế đời sống đặt ra là dấu hiệu tích cực trong lĩnh vực giáo dục.
Ngoài nhóm của “GS Ngô Bảo Châu và những người bạn”, còn có một số nhóm dân sự khác như: Cánh Buồm, cổng giáo dục mở trực tuyến Giapschool,v.v…cũng đang tích cực hoạt động theo cách riêng của mình. Nhóm Cánh Buồm đã tồn tại được 5 – 6 năm, có sản phẩm là những cuốn sách giáo khoa.
Tất cả đang ở trong phòng thí nghiệm. Và như vậy chắc chắn sẽ có nhiều thất bại, nhưng cũng sẽ gặt hái rất thành công. Điều quan trọng là luôn luôn phải sẵn sàng để tự cải cách nếu cảm thấy cách đang làm có gì đó chưa ổn, GS Châu nhìn nhận.
“Người hùng Đồi Ngô” chật vật mưu sinh
Một câu chuyện không vui của ngành giáo dục cũng đã xuất hiện trên các trang báo trong tuần: Thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc, người tố cáo các tiêu cực trong giáo dục ở Bắc Giang hiện đang chật vật học tiếng Nhật để tìm cách đi xuất khẩu lao động mưu sinh.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, anh Ngọc ký hợp đồng giảng dạy tại Trường THPT Đồi Ngô (xã Tiến Hưng, huyện Lục Nam). Tại đây, anh Ngọc đã nhiều lần đứng ra tố cáo sai phạm trong ngành giáo dục, mới nhất là vụ quay cóp trong kỳ thi tốt nghiệp tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô năm 2012.
Anh Ngọc nói mình khá chán nản, thất vọng khi những tố cáo không được giải quyết thậm chí là trả lời đúng hay sai và không còn chỗ nào có thể đứng trong ngành giáo dục. Còn Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết, những tố cáo của anh đã được thực hiện đúng luật; địa phương không có cơ chế tuyển dụng đặc biệt cho trường hợp của anh.
Song Nguyên/vietnamnet (tổng hợp)