(kontumtv.vn) – Trong chuỗi  hoạt động của Dự án Phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do phong và không do phong tại tỉnh Kon Tum, thời gian qua Ban quản lý Dự án đã chú trọng khuyến khích người khuyết tật thuộc đối tượng thụ hưởng Dự án tổ chức sinh hoạt nhóm nhằm giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Hoạt động này được gọi là sinh hoạt nhóm Tự lực, đã giúp người khuyết tật có ý chí, nỗ lực vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Tại buổi sinh hoạt của Nhóm Tự lực xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum), một trong hai địa phương được triển khai Dự án Phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do phong và không do phong tại tỉnh Kon Tum, phần lớn người khuyết tật trong nhóm này sản xuất nông nghiệp nên khi sinh hoạt nhóm đã trao đổi nhiều về kinh nghiệm và những cây trồng, vật nuôi đang được thị trường tiêu thụ mạnh, có giá trị kinh tế cao, thảo luận những giải pháp để cùng nhau giúp đỡ các thành viên trong nhóm chuyển đổi nuôi, trồng các loại cây con này.Anh Lê Văn Thạch, Nhóm trưởng Nhóm Tự lực xã Đoàn Kết nói: “Đầu tiên thì sinh hoạt Nhóm Tự lực xã Đoàn Kết đã tạo điều kiện cho anh em gần gũi nhau, tìm  hiểu nói chuyện vui vẻ, tìm hiểu công việc, sức khỏe của người khuyết tật để họ bớt ngại ngùng. Rồi tiếp theo là hỗ trợ kỹ thuật, giúp họ phát triển kinh tế”.

Sinh hoạt của Nhóm Tự lực xã Đoàn Kết
Sinh hoạt của Nhóm Tự lực xã Đoàn Kết

Sinh hoạt nhóm Tự lực, ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong nhóm còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ban Quản lý Dự án Phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do phong và không do phong cấp xã. Những đề xuất, kiến nghị  chính đáng của nhóm Tự lực được chính quyền địa phương xem xét, đề xuất hỗ trợ để người khuyết tật có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Ông A Don, Phó Chủ tịch UBND Xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết: “ Ở xã Đăk Trăm chúng tôi đều sinh hoạt hàng tháng, qua các nhóm sinh hoạt chúng tôi cũng cử ban điều hành của xã đến dự để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật cần những gì, đề xuất những gì và có hướng lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào để người ta hòa nhập, nhất là hòa nhập với cộng đồng”.

Dự án Phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do phong và không do phong tỉnh Kon Tum tổ chức các nhóm Tự lực nhằm giúp cho người khuyết tật được thụ hưởng Dự án hiểu hơn về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình đối với  cồng đồng, xã hội. Từ đó từng bước xóa bỏ tự ti, mặc cảm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Với mục đích này, Dự án đã có những hỗ trợ thiết thực cho các thành viên trong các nhóm Tự lực. Ông Hồ Bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Thư ký Dự án nói: “Trong các hoạt động của Dự án thì các nhóm Tự lực sẽ họp định kỳ hàng tháng, sinh hoạt nhóm mỗi tháng một lần. Nội dung sinh hoạt nhóm hàng tháng thì những khúc mắc, nhu cầu cũng như những việc mà họ phải làm để phục vụ cải thiện đời sống của họ sẽ bàn bạc một cách dân chủ. Như Dự án sẽ hỗ trợ họ các suất học bổng, hoặc tài trợ học nghề, tài trợ  heo giống, đối tượng nào thì bản thân họ sẽ bàn bạc, họ bầu lên, họ đề xuất ban điều hành xã. Ban Quản lý Dự án thấy phù hợp với hoạt động, mục tiêu Dự án thì sẽ hỗ trợ cho họ”.

Nhóm Tự lực đã và đang góp phần tích cực trong việc xóa bỏ tự ti, mặc cảm của người khuyết tật ở hai địa phương thụ hưởng Dự án là xã Đoàn Kết, (thành phố Kon Tum) và xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô). Điều này góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người khuyết tật ở hai địa phương này.

                                                                         Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *