(kontumtv.vn) – Trong những năm gần đây, thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ của các chương trình, dự án do các tổ chức triển khai thực hiện, đã từng bước giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum cải thiện đời sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đáng ghi nhận, có một bộ phận người khuyết tật đã ý thức phát huy nguồn hỗ trợ, khẳng định ý thức vươn lên của bản thân với quyết tâm “tàn nhưng không phế”. Nhóm tự lực 2 ở xã Đoàn Kết là một điển hình cụ thể như thế.

Dự án phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do phong và không do phong triển khai tại tỉnh Kon Tum năm 2015. Trong chuỗi hoạt động của Dự án, Ban Quản lý dự án đã chú trọng khuyến khích người khuyết tật thuộc đối tượng thụ hưởng dự án tổ chức sinh hoạt nhóm nhằm giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Hoạt động này được gọi là sinh hoạt nhóm tự lực. Và Nhóm tự lực 2 ở xã Đoàn kết (thành phố Kon Tum) được thành lập từ dự án này.

Trong năm 2016, Nhóm tự lực 2 đã được Dự án “Hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đa dạng hóa thu nhập” và Dự án “ Nâng cao năng lực cho người khuyết tật” hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ vốn để thành lập Tổ hợp tác làm chổi đót với 15 thành viên.

Người khuyết tật làm chổi đót
Người khuyết tật làm chổi đót

Chị Vũ Thị Lợi là một trong 10 thành viên có thu nhập ổn định nhất của Tổ hợp tác làm chổi đót. Gần một năm nay, tranh thủ thời gian rảnh rỗi chị lại đến đây để bó chổi. Vì khuyết tật nặng nên chị được giao làm công việc nhẹ nhất, thế nhưng mỗi tháng chị thu được hơn một triệu đồng từ công việc này. Chị Lợi chia sẻ: “Từ khi được sự hỗ trợ của Dự án, bọn em được làm chổi đót thì giúp cho gia đình, giúp cho cả nhóm có thêm thu nhập và mình cảm thấy sống lạc quan, yêu đời hơn. Nói chung mình sống không có tự ti, mặc cảm như ngày trước nữa. Bọn em được cải thiện tất cả, ví dụ như về tinh thần, vật chất cũng đỡ, nhất là tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Với ý chí vươn lên trong cuộc sống, gần 1 năm qua Tổ hợp tác làm chổi đót hoạt động đều đặn, các thành viên có thu nhập ổn định. Đây còn là nơi các thành viên trong tổ gặp gỡ, động viên nhau trong cuộc sống để xóa bỏ tự ti, mặc cảm vì những khiếm khuyết của cơ thể và cảm thấy vui hơn khi giúp  đỡ được cho gia đình. Anh Lê Văn Thạch, Nhóm trưởng Nhóm Tự lực 2 nói: “Trong nhóm cũng bàn bạc với nhau làm sao mình ra được sản phẩm, có thu nhập cho nhóm và mình cũng duy trì nguồn hỗ trợ làm sao đảm bảo nguồn hỗ trợ của họ. Nguồn  hỗ trợ ban  đầu đó là lúc nào cũng phải còn, không được thâm hụt, khi mình làm cái này mình lấy đồng lời mình trả cho các thành viên, còn vốn mình duy trì cho tới sau này”.

Các thành viên trong nhóm tự lực này đều là người khuyết tật nặng. Sản phẩm họ làm ra là kết tinh của sự nỗ lực, ý chí quyết tâm khẳng định bản thân mình. Thành quả họ đã tạo được niềm tin cho các tổ chức hỗ trợ. Bà Vũ Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum cho biết: “Nhóm này được về nhiều thứ, được thứ nhất là cải thiện một phần đời sống cho bản thân người khuyết tật, nhưng được cái thứ hai là cái hòa nhập. Chúng tôi giúp họ tìm đầu ra, nhưng bây giờ bản thân họ cũng tìm đầu ra cho nên qua việc tìm đầu ra đó họ tiếp cận được rất nhiều thành phần trong xã hội, họ bỏ được mặc cảm, xóa được mặc cảm.

Với sự nỗ lực và ý thức vươn lên đã giúp cho những người khuyết tật trong Tổ hợp tác làm chổi đót tự tin hơn trong cuộc sống.

Thanh Tùng – Tấn Thành – Công Luận

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *