(kontumtv.vn) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến đội ngũ người làm báo. Người nhấn mạnh, tất cả những người làm báo, từ người viết, biên tập, đến người in ấn, phát hành,… đều phải có lập trường chính trị vững vàng, có kiến thức sâu rộng, am hiểu thực tế và nhất là phải chính xác, trung thực, khách quan, yêu nghề. Đến nay, những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị.

Ngay từ khi bước vào hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã biết sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén để cổ vũ và động viên phong trào cách mạng của nhân dân. Trong cuộc đời mình, Bác đã để lại một di sản vô cùng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo, 500 truyện, ký và 300 bài thơ được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, Bác đã rút ra nhiều bài học quý báu về công việc làm báo, nêu bật vai trò, trách nhiệm, đạo đức, phong cách của người làm báo. Nhà báo Nguyễn Thị Liễu Hạnh, Phó Tổng Biên tập Báo Kon Tum chia sẻ: “Tôi nghĩ những lời căn dặn của Bác dù đã rất lâu nhưng cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo tôi thì ở trong thời đại nào cũng vậy, đòi hỏi mỗi người làm báo luôn luôn nêu cao đạo đức cách mạng và nêu cao tính chiến đấu, trong đó phải phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời qua kênh thông tin của mình để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để phản ánh lên các cấp, các ngành, cũng từ đó là cầu nối để giúp cho lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp, ngành có một cách nhìn toàn diện hơn”.

Nguoi lam bao hoc tap Bac

Sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng, nói lên sự thật, đó là phong cách làm báo của Nhà báo Hồ Chí Minh. Bác đem kinh nghiệm làm báo của mình để tâm sự với các nhà báo. Trường học làm báo của Bác là trường đời nên Người luôn khuyên các nhà báo phải “học trong xã hội, học nơi công tác, học thực tế, học ở quần chúng”. Nói đến hoạt động báo chí, Bác Hồ quan tâm đặc biệt đến tư cách người làm báo. Người coi một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Người đòi hỏi người làm báo khi nói đến cần, kiệm, liêm, chính thì trước hết mình phải cần, kiệm, liêm, chính và đặc biệt khi cầm bút phải phản ánh trung thực, khách quan. Nhà báo Dương Đức Nhuận, Báo Kon Tum nói: “Đối với bản thân, tôi là người cầm bút, một nhà báo. Tôi viết, phản ánh, qua đó, tôi cố gắng làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi cố gắng làm sao để tôi có một quan hệ mẫu mực với đồng chí, với bạn bè, anh em đồng nghiệp trong cơ quan. Qua đó, tôi biết cách học hỏi những anh em đồng nghiệp đi trước và học hỏi trong tài liệu, sách vở rồi những cái nào mình không biết thì mình hỏi, cái nào biết thì mình lại chỉ cho những người chưa biết”.

“Chúng tôi là những biên dịch viên thì học tập ở Bác là biên dịch các chương trình, phóng sự, thời sự, tin bài luôn đảm bảo khách quan, trung thực, dễ hiểu để bà con nắm rõ. Trong quá trình biên dịch chúng tôi luôn chú ý, tìm từ ngữ, câu chữ phù hợp, dễ nghe, dễ hiểu, nhất là giới thiệu những gương điển hình tiên tiến, giới thiệu đến bà con những cách làm hay, mô hình làm kinh tế giỏi để bà con nắm rõ, qua đó cũng nỗ lực, tích cực lao động, phát triển sản xuất. Chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến bà con vùng sâu, vùng xa và nêu gương người tốt, việc tốt”. Nhà báo Y Phiếu, Trưởng Phòng PT – TH các thứ tiếng Dân tộc, Đài PT – TH tỉnh Kon Tum nói.

Học tập đạo đức và phong cách làm báo của Bác, người làm báo hôm nay luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngại khó, ngại khổ, sống vô tư, yêu say nghề. Gần 20 năm làm báo, Nhà báo Mai Trâm, phóng viên Báo Kon Tum có một cách nhìn toàn diện về nghề báo. Đối với chị nghề báo dẫu vất vả, gian nan, thậm chí đôi lúc nguy hiểm nhưng cũng chính nghề nghiệp này đã cho chị nhiều trải nghiệm quý báu trong cuộc sống. Nhà báo Mai Trâm nhớ mãi lần gặp gỡ cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên công tác tại huyện Đăk Glei là gương điển hình trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhà báo Mai Trâm kể: “Tôi nhớ là năm 2018, tôi đã đi lên Phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei và khi tôi viết về cô giáo Thu, cô giáo rất nhiệt tình trong việc chia sẻ, mặc dù đồng lương của cô ở vùng sâu không là nhiều, nhưng cô vẫn lấy một phần lương của cô để cô mua mỳ gói, các loại đồ dùng học tập cho học sinh. Tôi lại nghe được bà con khen cô Thu ở điểm là cô vận động, thuyết phục chính quyền giao 01 ha đất công để mở một điểm trường cho học sinh. Tại vì từ điểm trường đó đến điểm trường chính là mất khoảng 15 km. Muốn các em đi học đều thì cô muốn làm việc đó để các em học tại thôn. Đất công rất là khó tuy nhiên khi cô lên trình bày và cô kêu gọi được nguồn kinh phí rất thỏa đáng để xây. Hiện tại đến bây giờ, điểm trường ở địa bàn đó rất là tốt và việc duy trì học sinh, sĩ số ra lớp 100% so với trước kia chỉ khoảng 85 – 90%”.

Cảm động trước tấm lòng tận tâm, tình yêu thương con trẻ và sự hy sinh thầm lặng của cô giáo Nguyễn Thị Thu dành cho học sinh vùng sâu, vùng xa, nên dù nhiều lần bị từ chối, nhà báo Mai Trâm vẫn kiên trì thuyết phục để được viết phóng sự về cô giáo Thu với mong muốn nhân rộng hơn nữa những gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong cộng đồng. Nhà báo Mai Trâm chia sẻ: “Khi tôi gặp cô Thu, tôi cảm thấy tôi học được đó là sự giản dị, biết yêu thương con người. Thứ ba nữa là sự sẻ chia, không có sự toan tính hoặc được hơn, mà chỉ cầu mong con người với con người sống với nhau bằng tình yêu thương, và lòng yêu thương đó sẽ giúp con người có thêm những nghị lực để vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn”.

Thực tế cho thấy, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế hôm nay luôn đòi hỏi những người làm báo phải coi trọng ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Học tập, kế thừa tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, noi theo tấm gương của Người, đội ngũ người làm báo luôn xác định lấy việc trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện đấu tranh phê bình và tự phê bình làm tiêu chí phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *