(kontumtv.vn) Rượu cần được nhiều người biết đến bởi đó là món uống đặc trưng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Thưởng thức rượu cần không chỉ cảm nhận sự tinh tế của ẩm thực mà còn cảm nhận được những giá trị văn hóa đã được lưu truyền qua bao thế hệ. Chính điều này đã làm cho chị Y Thơi (thôn Kon Lung, xã Đăk Tơ Lung, Kon Rẫy, Kon Tum) say mê làm rượu cần, có thương hiệu riêng, là sản phẩm đặc trưng của địa phương.

“Nhà rông bập bùng ánh lửa, rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em. Anh vít cần vít cần mà không dám uống, điệu xoang nhịp nhàng, dòng người sóng sánh…”.

Những giai điệu trong ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Cường đã phần nào nói lên đời sống văn hóa tinh thần người dân Tây Nguyên luôn gắn bó mật thiết với ghè rượu cần thân thuộc.

Rượu cần có từ bao giờ không ai biết. Người Tây Nguyên nói chung, bà con DTTS Kon Tum nói riêng biết đến rượu cần từ lúc họ còn rất bé vì hầu như gia đình nào cũng có vài ghè rượu cần trong nhà. Rượu cần là thức uống không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội, hiếu hỉ, ma chay của các gia đình, thôn làng.

Chị Y Thơi trò chuyện với phóng viên
Chị Y Thơi trò chuyện với phóng viên

Men rượu cần được làm từ lá, rễ cây tự nhiên của rừng, còn nếp than do bà con trồng trên nương rẫy. Tuy nhiên, mỗi nơi có cách điều chế men khác nhau, nên hương vị  rượu cần cũng khác nhau. Rượu cần có vị ngon, ngọt, hương thơm tự nhiên còn phụ thuộc vào sự khéo léo của người phụ nữ. Chị Y Hoanh (thôn Kon Lung, xã Đăk Tò Lung, huyện Kon Rẫy) nói: “Người phụ nữ ở nhà nấu cơm, chồng đi lên rừng lấy lá về cho phụ nữ giã, vắt cho nó có nước, nấu bột để làm men. Khi nào cơm nó nguội thì mình rắc xong mình bỏ ghè. Ngày xưa ông bà chỉ biết con gái phải làm rượu ghè, đàn ông lên rừng lấy cây lấy lá”.

Được mẹ truyền nghề làm rượu cần từ ngày trước, chị Y Thơi đã bị cuốn hút và say mê với nghề truyền thống này. Từ chỗ làm rượu cần để gia đình dùng trong dịp lễ cúng, khi nhà có khách quý, năm 2016, chị Y Thơi bắt đầu làm rượu cần bán cho dân làng. Rượu cần của chị được làm từ những nguyên liệu tự nhiên tại chỗ nên được mọi người ưa chuộng.

Rượu cần của Y Thơi có vị ngọt, mùi thơm đặc trưng nên năm 2017 Hội LHPN huyện Kon Rẫy đã chọn rượu cần mang thương hiệu Y Thơi giới thiệu tại các gian hàng sản phẩm truyền thống của huyện và tỉnh. Từ đó, rất nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến thương hiệu rượu cần Y Thơi. Chị Y Thơi chia sẻ: “Tôi thấy kinh doanh rượu cần cũng có người mua, thời gian bán nhiều nhất từ tháng 12 đến Tết Nguyên đán, bên cạnh bán cho hành khách thì bà con trong làng họ cần rượu cần để làm lễ này kia như đám cưới, đám tang, … Từ đó tôi nảy sinh ra ý tưởng làm men tự làm. Mặc dù men thị trường rất rẻ và tiện, khi nào làm rượu thì chạy ra ngoài mua nhưng vẫn muốn tự làm vì men thị trường và men tự làm nó khác nhau. Men đây mình ủ 2, 3 ngày nó mới thơm, men thị trường mình ủ 1 đêm nó ra nước rồi. Men tự làm nó có vị chua, vị chát 1 ít,  men thị trường thì nó quá ngọt, không có vị thơm”.

Giá bán của mỗi ghè rượu cần Y Thơi dao động từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng. Vào dịp cao điểm lễ tết, chị bán được cả 100 ghè rượu mỗi tháng.

Thu nhập nhập ổn định từ việc kinh doanh rượu cần truyền thống, cuối tháng 7/2019, chị Y Thơi đã thành lập tổ hợp tác sản xuất, hỗ trợ 7 chị em trong thôn có hoàn cảnh khó khăn cùng làm rượu cần. Những hội viên này ngoài việc chịu trách nhiệm tìm rễ cây về làm men rượu cần, họ cùng với chị trồng nếp than để có nguồn nguyên liệu làm rượu cần ổn định, đảm bảo chất lượng và uy tín. Chị Y Thơi cho biết: “Năm ngoái gia đình tôi trồng 5 sào nhưng năm nay riêng tổ 7 thành viên tổ hợp tác có 4,5 ha trồng nguyên liệu nếp than, gồm 2 lọai nếp than rẫy và nếp than ruộng. Trước tiên cũng tạo công ăn việc làm, tổ 7 người toàn hộ nghèo, hộ cận nghèo”.

Từ niềm đam mê hương vị rượu cần truyền thống, chị Y Thơi đã trở thành phụ nữ điển hình khởi nghiệp thành công của huyện Kon Rẫy.

Linh Thủy  – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *