(kontumtv.vn) – “Thành công của Cách mạng tháng Tám không thể có nếu “Chính phủ Hồ Chí Minh” không biết trọng dụng nhân tài và sử dụng nhân tài, đặc biệt là tầng lớp trí thức”, PGS.TS Vũ Trọng Khải nhận định.
Thành lập Việt Minh: Không chỉ hóa giải mũi tấn công của kẻ thù
Bối cảnh nước ta trước Cách mạng tháng Tám vô cùng rối ren, phức tạp. Nhật đảo chính Pháp, nhân dân ta bị “một cổ hai tròng”. Tiếp theo là quân Tàu Tưởng của tướng Lư Hán kéo vào miền Bắc, Quốc dân Đảng nổi lên. Các đảng phái chính trị khác cũng xuất hiện, ra sức hoạt động, tranh thủ lôi kéo thanh niên, quần chúng. Dựa vào hậu thuẫn của lực lượng Tàu Tưởng, nhóm Việt Cách, Việt Quốc của Quốc dân Đảng chĩa thẳng mũi dùi tấn công vào Đảng Cộng Sản Đông Dương và “Cụ Hồ”.
Trước tình hình đó, để hóa giải sự tấn công của kẻ thù, Bác tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương và thành lập Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh là “kế sách” tập hợp các lực lượng không phải là Cộng sản, đặc biệt là tầng lớp trí thức, thân phú hào.
Thành công của Cách mạng tháng Tám không thể được phát huy, nếu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (lúc đó hay gọi là Chính phủ Hồ Chí Minh) không biết trọng dụng nhân tài. Lúc đó, hầu hết là các trí thức yêu nước trong nội các Chính phủ Trần Trọng Kim đã chuyển sang Chính phủ Hồ Chí Minh.
Luật sư Phan Anh là Bộ trưởng Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim sang làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và sau đó, cho đến khi mất, làm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương. Luật sư Vũ Trọng Khánh là Thị trưởng Hải Phòng sang làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước ta. Học giả Hoàng Xuân Hãn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim sang tham gia Chính phủ Hồ Chí Minh, là thành viên trong đoàn đàm phán của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Đà Lạt năm 1946…
Trường hợp ông Nguyễn Văn Huyên là trí thức không đảng phái, theo lời hiệu triệu của Bác Hồ, đã tham gia Chính phủ Hồ Chí Minh, làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (tiền thân của Bộ Giáo dục) từ 1946 cho đến khi mất (tháng 10/1975). Ông là người giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục lâu nhất cho tới nay.
Đối với Luật sư Vũ Trọng Khánh, đứng trước thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc, ông cùng nhiều trí thức lúc ấy đã nghe theo tiếng hiệu triệu của Bác, sẵn sàng xả thân vì Cách mạng. Trước ngày Tổng khởi nghĩa giành Chính quyền, mặc dù chưa có chỉ đạo trực tiếp, ông đã tự giác thể hiện trách nhiệm của mình “làm gì có lợi cho Mặt trận Việt Minh thì làm”. Ông nhận chức Thị trưởng Hải Phòng với “dụng tâm giúp Cách mạng, bảo vệ Việt Minh” (Hồi ký của Luật sư Vũ Trọng Khánh).
Trên cương vị thị trưởng, ông đã cho chiếm lĩnh ngân hàng và các công sở của Pháp, cử người Việt Nam chỉ huy; ra lệnh cảnh sát thả nhóm Việt Minh thả truyền đơn bị bắt, không cho Pháp quay trở lại đổ bộ lên Hải Phòng…
PGS.TS Vũ Trọng Khải, con trai luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nói: “Việc thành lập mặt trận Việt – Minh là biện pháp thu phục nhân tài. Đây không chỉ là tầm nhìn sắc sảo của Bác mà còn là biện pháp vô cùng hiệu quả của một thiên tài”.
Nhiều danh sĩ, trí thức đương thời tích cực tham gia hoạt động chính sự do sức hút của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu/ Đại đoàn kết |
“Các chú ở ngoài Đảng có lợi cho Cách mạng hơn”
Không những biết quy tụ nhân tài phục vụ Cách mạng, phục vụ kháng chiến, Bác Hồ còn là người biết đặt họ “đúng nơi đúng chỗ” để phát huy sở trường, năng lực của họ trong hoàn cảnh đất nước đang “thù trong giặc ngoài”…
Rất nhiều trí thức đến với Việt Minh nhưng chưa biết gì về Cộng sản. Sau một thời gian trong hàng ngũ Cách mạng, họ đã có nguyện vọng trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản. Nhưng vì lợi ích chung, có những trường hợp, Bác Hồ đã… không cho vào!
Hồi ký của cụ Vũ Trọng Khánh kể lại: “Ngày 19/3/1957, tôi làm đơn xin gia nhập Đảng Lao động Việt Nam. Sau khi thỉnh thị Trung ương, đồng chí Bí thư Thành ủy Hoàng Hữu Nhân (TP. Hải Phòng) cho biết ý kiến Hồ Chủ Tịch là Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Trọng Khánh để ở ngoài Đảng có lợi cho cách mạng hơn”.
Sau này, nhiều người kể lại, Bác đã suy nghĩ rất kỹ trước khi có ý kiến chính thức.
Cụ Khánh có kể lại tình huống xảy ra trước Cách mạng tháng Tám, khi ông rơi vào tình trạng rất khó xử: “Một hôm, một sĩ quan hậu cần Nhật đeo gươm vào gặp Thị trưởng đòi thanh toán hợp đồng đóng phà quân sự cho Pháp, tôi viện luật bác bỏ. Tên phiên dịch người Nhật nói: “Ông Khánh không yêu người Pháp cũng không thích người Nhật”! Về sau mật thám Nhật bắn tin cho tôi: “Ông bị nghi là người của Việt Minh!”.
“Trong khi đó một số dư luận lại coi tôi là thân Nhật! Tôi cảm thấy hai mũi dao chĩa vào mình trong tình thế mọi việc đều tiến hành bí mật, không có chỗ nào để thanh minh. Lúc đó tôi chẳng có tổ chức nào bảo vệ an toàn cho cá nhân thị trưởng”.
“Vị trí của anh là ở Sài Gòn”
Niềm tin tuyệt đối vào Cách mạng tháng Tám, vào “Chính phủ Hồ Chí Minh” là động lực thôi thúc giới trí thức tinh hoa theo Bác tới cùng, sẵn sàng dấn thân cống hiến cho Cách mạng ở nhiều vị trí khác nhau. Luật sư Trịnh Đình Thảo, cậu ruột của PGS.TS Vũ Trọng Khải, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Trần Trọng Kim đi theo Bác Hồ, sau này hoạt động trong nội thành Sài Gòn là điển hình như vậy.
Sau khi Pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa, nền độc lập non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải bước vào cuộc kháng chiến. Luật sư Trịnh Đình Thảo đã lặn lội vào tận căn cứ kháng chiến Nam Bộ gặp Bí thư xứ ủy Lê Duẩn để tham gia đóng góp. Bí thư Lê Duẩn nói: “Vị trí của anh là phải ở Sài Gòn”.
Luật sư Thảo đã trở ra Sài Gòn, thành lập Văn phòng Luật sư. Dựa vào nghề nghiệp, khả năng và uy tín của mình, ông đã có nhiều đóng góp trên mặt trận không tiếng súng. Những chiến sĩ Cách mạng bị bắt ra tòa án thực dân đều được ông bào chữa, giúp đỡ tận tình. Bằng các mối quan hệ, ông âm thầm giúp đỡ, tiếp thêm nghị lực sức mạnh cho các chiến sĩ trong nhà tù, trại giam thực dân. Ông đã âm thầm hoạt động Cách mạng trong lòng địch như vậy.
Sau cuộc chiến Mậu Thân, luật sư Thảo bước vào giai đoạn đấu tranh mới, làm Chủ tịch Mặt trận Liên minh Dân chủ và Hòa bình, quy tụ nhiều trí thức nổi tiếng ở miền Nam như bà Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Văn Hảo…
PGS.TS Vũ Trọng Khải nhận định: “Thành công của Cách mạng tháng Tám không thể có nếu “Chính phủ Hồ Chí Minh” không biết trọng dụng nhân tài và sử dụng nhân tài, đặc biệt là tầng lớp trí thức”. Bởi hơn ai hết, tầng lớp trí thức là tinh hoa, có khả năng thiết lập nền tảng ban đầu của một nhà nước non trẻ, xử lý và giải quyết những công việc mà không phải ai cũng làm được. Chính vì vậy mà Nhà nước VNDCCH mới ra đời đã xây dựng được nền móng vững chắc, có Hiến pháp năm 1946, có những đạo luật, sắc lệnh hiện đại…, sau đó là hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Bài học thu hút và sử dụng người tài của Bác Hồ cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta đã mạnh dạn sử dụng những quan chức của chế độ cũ như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh, hay trí thức của chế độ Sài Gòn như Nhóm Thứ Sáu. Ông và nhiều nhà trí thức khác đã đóng góp rất nhiều vào việc cải cách các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư nước ngoài…
Khi còn sống, nhà báo Hữu Thọ, người từng nhiều năm làm Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa trung ương, trợ lý Tổng Bí thư, từng chỉ ra: “Không phải cứ đảng viên mới giữ được trọng trách. Nhân tài ngoài Đảng phải đốt đuốc mà tìm, trân trọng mà mời chứ đừng hy vọng hô hào là họ sẽ tự ra đâu. Họ có nhân cách và có nhiều việc để làm. Hãy hiểu, nhân sĩ, trí thức bên ngoài khi nhận lời mời của Đảng tức là đã hy sinh một phần đam mê riêng của mình”[1].
Duy Chiến/Vietnamnet