(kontumtv.vn) –  Năm 2019, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của ngành chức năng, công tác an toàn lao động trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều chuyển biến.

Nổi bật trong năm 2019 là sự chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với công tác vệ sinh an toàn lao động. Theo đó, 50 doanh nghiệp đã tham gia tập huấn triển khai xây dựng hệ thống quản lý về AT-VSLĐ, trên 3.000 lượt lao động trong tỉnh được tham gia các hoạt động huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động. Ông Trần Thế Vũ, trưởng Phòng Lao động, Tiền lương, Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, điểm nhấn về công tác an toàn vệ sinh lao động trong năm là tỉnh tổ chức Tháng hành động về AT-VSLĐ trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/5/2019 đến ngày 31/5/2019 với chủ đề  “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.  Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện về an toàn lao động; công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được các cơ quan chức năng nghiêm túc thực hiện: “Những cái nổi bật rất là quan trọng, cụ thể các vụ tai nạn lao động đã có sự thuyên giảm, cái thứ hai là số lượng lao động được hỗ trợ huấn luyện tại các đơn vị thông qua các cơ quan các tổ chức các trung tâm có chiều hướng tăng lên một cách rất cụ thể, công tác khám sức khỏe, khám chữa bệnh nghề nghiệp, công tác hỗ trợ đào tạo huấn luyện cho người lao động phù hợp với tình hình mới cũng như tuân thủ theo pháp luật”.

Trang bị bảo hộ lao động trong sản xuất nông nghiệp
Trang bị bảo hộ lao động trong sản xuất nông nghiệp

Điển hình làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động trong năm 2019 có Bưu điện tỉnh Kon Tum. Ông Nguyễn Cường, Giám đốc Bưu điện tỉnh chia sẻ, năm 2019, đã  có gần 500 triệu đồng  được đơn vị đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động. Gần 330 lao động được hưởng đầy đủ các chế độ như độc hại, bảo hộ lao động, khám sức khỏe và tham quan nghỉ dưỡng. Nhờ vậy, đơn vị không xảy ra bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. Giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Cường nói: “Con người là tài sản của doanh nghiệp, cho nên việc chấp hành các chính sách pháp luật về an toàn lao động đối với ngành Bưu điện là chấp hành nghiêm và linh hoạt trong việc chăm sóc sức khỏe, các chế độ bảo hộ lao động cho người lao động rất được chú trọng tại Bưu điện tỉnh Kon Tum. Chúng tôi thực hiện tất cả các chế độ cho người lao động theo quy định của Nhà nước và theo quy định của ngành”.

Việc quan tâm chăm lo cho người lao động trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng có nhiều khởi sắc. Trên 3.000 lao động của 56/130 cơ sở được khám sức khỏe định kỳ, đạt tỉ lệ gần 44%. 1.815 đơn vị tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho trên 36.200 lao động với kinh phí hơn 8 tỉ đồng, tăng trên 3 tỉ đồng so với năm 2018. Trong năm, 45 cơ sở, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tự kiểm tra công tác AT-VSLĐ tại cơ sở, đồng thời xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm. Điều kiện lao động được đảm bảo,chế độ vệ sinh an toàn lao động được thực hiện tốt giúp người lao động giữ gìn sức khỏe, an toàn, an tâm công tác. Anh Đặng Thanh Vũ, nhân viên kỹ thuật  của Viettel Kon Tum chia sẻ: “Đến đây làm việc được sự quan tâm của Ban Giám đốc và Tập đoàn đã cấp cho tôi đầy đủ đồ bảo hộ lao động, chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ mát du lịch hàng năm là đầy đủ hết. Hàng năm có được khám sức khỏe định kỳ, điều kiện của phòng làm việc sạch sẽ, thoáng mát, phương tiện làm việc đầy đủ để cho nhân viên kỹ thuật làm việc”.

Ông Trần Thế Vũ, Trưởng Phòng Lao động, Tiền lương, Bảo hiểm xã hội ( Sở LĐ-TB&XH) cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, năm 2019, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 4 vụ  tai nạn lao động khiến 3 người thiệt mạng và 5 người bị thương nặng, tăng 1 vụ tai nạn lao động so với năm 2018. Nguyên nhân đầu tiên là do sự chủ quan, bất cẩn của chính người lao động. Tuy nhiên, nguyên nhân đáng kể hơn vẫn thuộc về một số doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Ông Trần Thế Vũ nhìn nhận: “Trong thời gian qua vẫn còn một số vụ tai nạn xảy ra, cái này có nhiều yếu tố có thể khách quan có thể chủ quan. Tuy nhiên, đánh giá việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp vẫn còn chưa được triệt để, một số doanh nghiệp vẫn coi thường việc trang bị bảo hộ lao động cho người lao động, rồi công tác tập huấn hướng dẫn cho người lao động tiếp cận công việc khi họ triển khai thực thi nhiệm vụ ở đơn vị”.

Thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trước hết là chấp hành tốt Luật An toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cũng giúp ngăn ngừa, phòng chống nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động; góp phần thúc đẩy sản xuất đi lên, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội. Đây chính là mục tiêu trọng tâm công tác đảm bảo an toàn lao động của tỉnh Kon Tum trong thời gian đến.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *