(kontumtv.vn) – Niên vụ mía 2018 – 2019 đã khép lại, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều nỗi lo đối với người trồng mía.

Vào thời điểm cuối tháng 02/2019, ruộng mía ở nhiều địa phương đã trổ lá, có thân cao từ 35-50cm; thế nhưng trên cánh đồng xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum vẫn còn hàng chục ha mía chưa được thu hoạch. Sự chậm trễ này không chỉ làm bà con trồng mía thất thu hàng chục triệu đồng mỗi ha, mà còn làm cho cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể địa phương nóng lòng, lo lắng. Ông Lê Tự Đích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Kết nói: “Vấn đề làm mía của năm nay nhân dân chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, thứ nhất là thời tiết nắng sớm quá, năng suất có phần hạn chế, vấn đề thứ hai là kế hoạch của Nhà máy Đường thu rất chậm, hiện nay vẫn còn một số hộ chưa thu được. Như chúng ta đã biết, không thu hoạch được trước Tết ảnh hưởng đến  năng suất, không có tiền tiêu Tết, phải canh giữ sợ cháy, hơn nữa sau Tết vấn đề thu hoạch sẽ tốn kém nhiều hơn”.

Mía chậm thu hoạch ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân
Mía chậm thu hoạch ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân

Đối với một số diện tích đã thu hoạch mía xong, nhiều hộ quyết định chọn cây trồng khác để thay thế. Anh Nguyễn Văn Thư, phường Nguyễn Trãi chia sẻ: “Bây giờ mía giá cả không ổn định, so với năm ngoái mất sản lượng nhiều, tiền bạc cũng mất, đầu tư ra không thu được. Bây giờ mình chuyển sang cây trồng cây ngắn ngày. Bây giờ là trồng bông,  làm vòm để trồng bông”.

Việc nông dân không mặn mà với cây mía đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất nông nghiệp của thành phố Kon Tum, đặc biệt là kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía theo quy mô cánh đồng mẫu lớn. Bà Đinh Thị Mỹ Linh, Phó Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết: “UBND thành phố giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã phường với diện tích là 1.400 ha, tuy nhiên khả năng thực hiện kế hoạch này rất khó khăn vì diện tích mía trong những năm gần đây đã giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác liên kết giữa Nhà máy Đường và người trồng mía chưa được chặt chẽ, vì thế người dân chuyển đổi diện tích cây trồng này sang trồng các loại cây trồng thay thế rất là nhiều”.

Việc liên kết chưa chặt chẽ giữa Nhà máy Đường với người trồng mía đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống của hộ trồng mía. Đơn cử như hộ gia đình anh Ngô Ngọc Cảnh, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum, niên vụ mía 2018  anh thua lỗ cả tỉ đồng từ 50 ha mía. Nguyên nhân là hai năm liền Công ty Cổ phần Đường thu mua mía của gia đình anh chậm, làm cho cây mía lưu gốc sinh trưởng phát triển kém, chữ đường và cả sản lượng giảm. Anh Cảnh nói: “Việc thu mua năm vừa rồi bà con ở đây chặt rất chậm, tại vì Nhà máy Đường mua mía ở dưới kia lên nhiều,  thành ra mía ở trên này không chặt được, không nhập được, thành ra ngoài ngày mới chặt được. Chặt muộn qua sang năm mất sản lượng rất nhiều, thiệt hại chỗ đó. Năm nay nói về cây mía là lỗ nhiều”.

Việc Nhà máy Đường thu mua mía nhỏ giọt khiến bà con nông dân thiệt hại không chỉ diễn ra trong niên vụ 2018 mà đã diễn ra trong nhiều năm qua. Trước thực trạng này, Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum ban hành Thông báo số 215, ngày 23/01/2919, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa  đề nghị Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đẩy nhanh tiến độ mua mía đã đến thời kỳ thu hoạch để giải quyết khó khăn cho người trồng mía; yêu cầu Công ty có giải pháp thâm canh trái vụ, lệch vụ, nâng cao hiệu quả đầu tư, đổi mới hình thức liên kết, hợp đồng, tổ chức sản xuất với người dân; đồng thời thông báo sớm đối với các chủ hợp đồng, các hộ trồng mía về giá mía nguyên liệu, thời gian thu hoạch để người dân chủ động thu hoạch nhanh, gọn, kịp thời vụ. Về phía thành phố Kon Tum, vùng nguyên liệu mía lớn của tỉnh đã nhiều lần đề xuất với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum liên quan đến nội dung thu hoạch mía cho bà con nông dân.

Trước những thiệt hại và kiến nghị của bà con nông dân trong vụ mía 2018 và trên cơ sở chỉ đạo, đề xuất của UBND tỉnh và thành phố Kon Tum, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã đăng ký làm việc  với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum từ ngày 28/2. Tuy nhiên, không biết có ẩn khuất gì hay là do thói quen của đơn vị độc quyền thu mua mà Công ty Cổ phần Đường Kon Tum vẫn chưa trả lời vấn đề đặt ra của phóng viên sau nhiều lần lỗi hẹn.

Niên vụ mía 2019 đã bắt đầu và với cung cách làm việc của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum như hiện nay thì người trồng mía Kon Tum chắc rằng sẽ tiếp tục gánh phần thiệt hại về phía mình. Theo đó, việc thực hiện chủ trương liên kết để phát triển bền vững đối với cây mía giữa 4 nhà gồm nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và nhà doanh nghiệp xem ra khó thành công vì nhà doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Đường Kon Tum chỉ làm việc theo cung cách lợi ích của chính mình là trên hết.

Văn  Hiển  – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *