(kontumtv.vn) – Phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Văn Chiến cùng 15 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” tại tiểu khu 277, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô đã khép lại. Ngoài những khoảng lặng về sự ăn năn, hối cãi của các bị cáo, nỗi buồn tủi của người thân trong gia đình, phiên tòa đã nhận được sự đồng thuận của người dân và để lại những bài học sâu sắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Khác hẳn với hình ảnh đoàn xe dài hiên ngang vận chuyển gỗ trái phép ra khỏi rừng, tại phiên tòa 16 bị cáo trong vụ án khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 227, xã Đăk Rơ Nga huyện Đăk Tô đều cúi đầu ân hận.

Đây là vụ án xét xử các đối tượng khai thác gỗ trái phép có số lượng người tham gia lớn nhất từ trước đến nay, với hành vi, mức độ phạm tội nghiêm trọng, có tổ chức, có sự phân công công việc và chuẩn bị công cụ phạm tội rất cụ thể. Với 2 máy cưa xăng, 13 xe máy độ chế, dao, cuốc, trống tời và cả xe ô tô tải thùng có trục cẩu phục vụ cho việc khai thác và vận chuyển gỗ; thời gian khai thác kéo dài và đã có 2 chuyến vận chuyển, tiêu thụ gỗ trót lọt. Tổng khối lượng gỗ thiệt hại quy tròn trong 2 đợt khai thác trên 45 m3 gỗ dổi, thuộc nhóm III. Tổng trị giá trên 800 triệu đồng.

Phiên tòa xét xử vụ khai thác rừng trái phép ở Đắk Rơ Nga
Phiên tòa xét xử vụ khai thác rừng trái phép ở Đắk Rơ Nga

Với hành vi phạm tội nghiêm trọng, liều lĩnh, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26/10, Tòa án nhân dân huyện Đăk Tô đã tuyên phạt 16 bị cáo với tổng mức án 92 năm, 6 tháng tù giam. Trong đó, bị cáo Trần Văn Chiến (31 tuổi, trú tại xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô) với vai trò là người cầm đầu, tổ chức điều hành, chỉ điểm, cung cấp tiền để mua công cụ phạm tội và thu mua số gỗ khai thác được đã nhận mức án cao nhất 9 năm tù; 2 bị cáo Vũ Minh Tuân và Lương Văn Chung trú thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, với vai trò là người chủ động liên hệ với Chiến, có hành vi trợ giúp tích cực trong quá trình tổ chức khai thác gỗ trái phép đã lĩnh mức án 8 năm tù. Các bị cáo còn lại chịu mức án từ 3 – 6 năm tù. Đây là mức án thích đáng cho các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng, được nhiều người đồng tình. Ông A Yêu (thôn Đăk Kon, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô) bày tỏ: “Hôm nay thấy có bên cơ quan chức năng mở phiên tòa, chúng tôi cảm thấy rất là mừng để răn đe cho bà con khỏi khai thác rừng, khỏi phá rừng nữa. Hồi trước bà con đã sinh sống với rừng rất là tốt, cho nên bây giờ thấy lâm tặc đi khai thác rừng chúng tôi cũng rất xót xa. Bà con bây giờ rất là sợ nhưng bên ngoài thì lén lút chỗ này chỗ kia, chúng tôi cũng nhờ bên cơ quan Nhà nước, cơ quan quản lý bảo vệ rừng của lâm trường, của kiểm lâm, của hộ gia đình chúng tôi. Những lâm tặc khai thác, chúng tôi thật xót xa, không muốn tình trạng phá rừng”.

Ông Mai Xuân Sơn, Giám đốc Lâm trường Đăk Tô ghi nhận: “Về vấn đề xét xử lưu động ngày hôm nay nó mang lại hiệu quả rất thiết thực, mang tính giáo dục cao cho cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng sống gần rừng, ven rừng. Qua việc xét xử lưu động ngày hôm nay, về cá nhân tôi cũng như đơn vị đánh giá rất là cao, mang lại tính răn đe, giáo dục. Đó là một giải pháp góp phần vào trong công tác bảo vệ rừng hiệu quả trong công tác sắp tới cũng như trong thời gian lâu dài”.

Điều đáng nói, trong số 16 bị cáo truy tố trước tòa đều là những người đến từ các địa phương khác. Trong đó, ở huyện Ngọc Hồi 8 bị cáo, tỉnh Bình Phước 3 bị cáo, còn lại là ở tại các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bình Dương. Ngay như bị cáo Trần Văn Chiến cũng là người từ tỉnh Khánh Hòa mới chuyển đến xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô từ tháng 1/2018. Và một điều nữa, việc khai thác gỗ trái phép của các bị cáo xảy ra trong một thời gian dài, dùng cả cưa xăng, xe độ chế để vận chuyển nhưng chậm được chủ rừng, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phát hiện. Ông Mai Xuân Sơn, Giám đốc Lâm trường Đăk Tô nhìn nhận: “Đây cũng là một bài học để nhìn nhận lại và thời gian đến, về mặt chủ rừng thì cũng có những giải pháp, phương pháp hơn nữa. Cụ thể là chúng tôi đã có xác định các trọng điểm có nguy cơ phá rừng xảy ra. Từ đó chúng tôi tổ chức tuần tra và bám sát, chỉ đạo cán bộ địa bàn bám sát địa bàn sâu sát hơn”.

“Sau phiên tòa này chúng tôi cũng sẽ phối hợp với chủ rừng cũng như các ban ngành, đoàn thể xuống dưới thôn để tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu biết được tình trạng khai thác gỗ thì dẫn đến những việc như thế này. Bên cạnh đó đây cũng là một điểm để bà con chúng tôi rút kinh nghiệm tránh tình trạng kết nối với các đối tượng khác để khai thác gỗ trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo Công an chính quy của xã nắm bắt di biến động của người dân nơi khác đến để kiểm tra nhân hộ khẩu, tạm trú tạm vắng trên địa bàn xã nhằm phát hiện những đối tượng đầu nậu có kết nối với bên trong để khai thác gỗ trên địa bàn xã chúng tôi”. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô cho biết.

Kết thúc phiên tòa, những đối tượng phạm tội đã bị tuyên phạt với mức án thể hiện sự nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên đây cũng là bài học đau buồn đối với các bị cáo cũng như người thân trong gia đình và là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống cho tương lai.

Quang Mẫn – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *