(kontumtv.vn) – Vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, đã có nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum vươn lên, hòa nhập tốt với cộng đồng. Mặc dù bị khuyết tật ở những dạng khác nhau, tuy nhiên ở họ đều có một điểm chung đó là ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Bị khuyết tật vận động từ bé, đi lại rất khó khăn, tuy nhiên cả 2 vợ chồng anh Lê Văn Thạch và chị Vũ Thị Lệ (thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) đều rất tích cực trong công việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Hằng ngày, chị Lệ phải di chuyển quãng đường khá xa để bán đồ chơi cho học sinh, còn anh phải đi bán vé số ở thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai. Từ sự quan tâm của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh, gia đình anh chị được hỗ trợ 2 con bò cái sinh sản vào năm 2011 và 2015. Với sự nỗ lực chăm sóc của gia đình, đến nay, đàn bò đã phát triển lên thành 4 con. Đây là động lực rất lớn để anh chị có thể xây dựng một cuộc sống sung túc và đầy đủ hơn. Anh Thạch chia sẻ: “Người bình thường dắt bò đi cũng khó, mà mình bị tàn tật phải dắt đi thì rất là khó. Mình phải cố gắng để có cái vốn, chứ bây giờ làm có tiền để mua 1 con bò rất khó. Sau này con cái ăn học cũng nhờ con bò”.

Gia đình anh Lê Văn Thạch và chị Vũ Thị Lệ
Gia đình anh Lê Văn Thạch và chị Vũ Thị Lệ

Cũng bị khuyết tật vận động từ nhỏ, chị Y Đêm (tổ dân phố 5, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Sau 2 lần phẫu thuật, chị mới có thể đi lại trên đôi chân của mình. Không cam chịu với số phận, chị mở quán ăn sáng phục vụ cho bà con trong làng; chiều về, chị lại tất bật với công việc may vá tại gia đình. Với sự quyết tâm của mình, đến nay chị đã xây dựng được một ngôi nhà kiên cố với số tiền hơn 100 triệu đồng, đồng thời có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng từ việc buôn bán và may quần áo. Sự nỗ lực vươn lên của chị Y Đêm đã được rất nhiều bà con dân làng yêu quý, mến phục. Chị Y Đêm chia sẻ: “Người khuyết tật mình phải đừng mặc cảm, phải cố gắng, mình thấy người ta làm mình cũng cố gắng làm để làm sao vượt qua nỗi khổ của mình. Người ta chân tay tốt thì người ta làm theo sức của họ, mình là người tàn tật thì phải làm theo sức của mình. Mình không được nghỉ, ngày nào cũng phải chăm chỉ làm để nuôi bản thân mình”.

Trong cuộc sống hằng ngày và trong công việc, những người khuyết tật tất nhiên sẽ gặp rất nhiều khăn khăn. Tuy nhiên, nếu như có quyết tâm, có ý chí và bản lĩnh thì người khuyết tật sẽ luôn khẳng định được vai trò của mình trong xã hội. Đó chính là những chia sẻ của chị Trần Thị Thanh Thúy, hiện đang công tác tại Chi cục Văn thư lưu trữ, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum. Do ảnh hưởng của chất độc da cam, cơ thể của chị Thúy phát triển không được bình thường như mọi người, hay đau ốm khi trái gió, trở trời. Tuy nhiên, chị đã vượt qua mọi trở ngại để tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng. Được công tác trong cơ quan nhà nước, chị Thúy đã luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chị Thúy tâm sự: “Trong cuộc sống, công việc, bản thân là người khuyết tật thì gặp rất nhiều khó khăn. Mình phải phấn đấu và hứa với bản thân mình phải cố gắng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các bậc tiền bối, các anh chị đi trước để mình hoàn thiện bản thân mình hơn, để sau này mọi người có cái nhìn thân thiện với những người khuyết tật như mình”.

Ý chí và sự nỗ lực vươn lên của những người khuyết tật là rất đáng trân trọng và cần được động viên, cổ vũ. Họ là gương sáng để mọi người tự nhìn nhận và phấn đấu hơn nữa trong cuộc sống. Kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12 là dịp để mỗi chúng ta sẻ chia và dành những tình cảm tốt đẹp nhất đến với người khuyết tật.

                                                                                                Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *